Câu trả lời mà Phó Bí thư nhận được của lãnh đạo hai đơn vị trên là chưa, bởi chưa ai nghĩ đến. “Khi xem các đoạn clip học sinh đánh nhau tôi thấy tàn nhẫn, dã man quá và cảm giác bức xúc, khó chịu đến độ không chịu nổi”, Phó Bí thư bày tỏ nỗi niềm trăn trở của mình trước tình trạng bạo lực học đường gần đây. Đồng tình với đánh giá của Công an tỉnh là tình hình an ninh trật tự trong trường học khá phức tạp, hậu quả là có những vụ việc đau lòng đã xảy ra, vì vậy cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành có giải pháp thiết thực, nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường, Phó Bí thư nhấn mạnh. Tuyên truyền, giáo dục là cần thiết nhưng cách thức, phương pháp, thời gian tổ chức ra sao thì ngành giáo dục cần tính toán, bàn bạc để áp dụng thống nhất. Tổ chức đoàn – hội – đội không thể đứng ngoài mà phải chung tay, góp sức giáo dục, định hướng, tuyên truyền kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống cho các em. Hãy kể một câu chuyện tốt mà em biết hoặc làm những bộ phim ngắn giáo dục, cảnh báo cho thế hệ trẻ biết về hậu quả nếu vi phạm pháp luật…là gợi ý của Phó Bí thư với các ngành để đề xuất với cấp thẩm quyền triển khai thực hiện trong thời gian đến nhằm xóa dần tình trạng bạo lực học đường. Mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường – xã hội cần được củng cố bền chặt hơn trong phối hợp giáo dục. Xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, thanh thiếu niên, rà soát lại quy chế phối hợp giữa nhà trường, chính quyền, công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý, bảo đảm môi trường học đường thân thiện, an toàn…
Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, từ đầu năm học 2015 – 2016 đến nay đã xảy ra 52 vụ học sinh, sinh viên đánh nhau. Nhiều vụ việc mang tính tự phát, mâu thuẫn phát sinh trong quá trình học tập, vui chơi, sinh hoạt; nhiều vụ có sự cấu kết trong, ngoài giữa các nhóm học sinh, sinh viên với thanh niên lêu lổng bên ngoài để giải quyết mâu thuẫn và đã xảy ra hậu quả khá nghiêm trọng như chết người.
Như NguyỄn