Mục tiêu Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Các chủ thể sản xuất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh khi tham gia chương trình OCOP được hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn bền vững và bảo tồn những giá tri ̣truyền thống văn hóa, tốt đẹp của dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm mới tham gi chương trình OCOP năm 2022.
Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu công nhận mới ít nhất từ 80 - 130 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có từ 3 - 5 sản phẩm 3 OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia. Hằng năm củng cố và nâng hạng từ 10 đến 15 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Cùng với đó, kiểm tra và cấp lại chứng nhận sản phẩm OCOP hết hạn. Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng và củng cố ít nhất 30% tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với chuỗi giá trị và xây dựng 3 dịch vụ du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP Bình Thuận. Phấn đấu có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…). Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, giao thương trọng điểm của tỉnh. Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong chu trình OCOP và tiến đến giám sát và quản lý sản phẩm OCOP bằng các công cụ chuyển đổi số.
Tại Kế hoạch 3799 của UBND tỉnh, danh mục sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh giai đoạn (2021 – 2025) gồm 135 sản phẩm của 106 chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm đa dạng thuộc các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng và sản phẩm du lịch làng nghề… Trong số đó, nhiều nhất là huyện Hàm Thuận Bắc có 26 sản phẩm, Hàm Thuận Nam có 24 sản phẩm, Bắc Bình có 16 sản phẩm, Đức Linh có 17 sản phẩm, Tánh Linh có 15 sản phẩm, thành phố Phan Thiết có 12 sản phẩm, Phú Quý có 12 sản phẩm, Hàm Tân có 8 sản phẩm, Tuy Phong có 7 sản phẩm, thị xã La Gi có 4 sản phẩm.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đánh giá, phân hạng và khen thưởng sản phẩm chương trình OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, tăng cường chuyển đổi số… Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương. Đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Đối với các sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc; liên kết chuỗi; phát triển thương hiệu; xúc tiến thương mại...