Cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng chủ trì, cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tiêu Hồng Phúc và các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Đối với Thường trực cấp ủy, HĐND và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố dự họp tại phòng họp trực tuyến của địa phương.
Theo dự thảo báo cáo của UBND tỉnh, dù triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh còn khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên nhiều chỉ tiêu ước đạt kế hoạch đề ra. Như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,3% (vượt chỉ tiêu đề ra), trong đó ngành nông - lâm - thủy sản ước tăng 2,85%, công nghiệp - xây dựng ước tăng 7,85%, dịch vụ ước tăng 11,64%.
Có một số ngành nổi bật như giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng (ước tăng 5,51% so năm ngoái); ngành du lịch đón 8,35 triệu lượt khách (tăng gần 46% so năm 2022) và doanh thu từ du lịch đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 63% so năm ngoái...
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo đều được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời và công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo. Cùng với đó, công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục phát huy hiệu quả...
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó khăn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và thu nội địa giảm so cùng kỳ. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một số chính sách, quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai còn chồng chéo, bất cập...
Triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, Bình Thuận dự kiến hướng đến các mục tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7,2 - 7,4%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.963 tỷ đồng, chi đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương khoảng 3.616 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,42%... Căn cứ tình hình thực tế, địa phương dự kiến xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 9.963 tỷ đồng, đối với dự toán chi ngân sách địa phương hơn 13.972 tỷ đồng.
Trong phần thảo luận do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng điều hành, lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị liên quan và các địa phương đã tham gia phân tích làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Nhất là các ý kiến về chỉ tiêu thu ngân sách, chỉ tiêu đón lượng khách du lịch trong năm 2024, thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc xác định giá đất cụ thể, quản lý đất đai và môi trường, thu hút đầu tư phát triển các khu - cụm công nghiệp, phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho rằng trong tình hình còn nhiều khó khăn nhưng với kết quả ước đạt được trong năm 2023 là nỗ lực lớn của các cấp ngành, địa phương. Nổi bật là 3 trụ cột kinh tế (công nghiệp, du lịch, nông nghiệp) đều giữ đà tăng trưởng, đặc biệt ngành du lịch đã có sự bứt phá và ghi nhận kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực… Dù vậy, lãnh đạo tỉnh cũng lưu ý một số chỉ tiêu được dự báo khó hoàn thành, qua đó cần có giải pháp khắc phục mặt tồn tại, hạn chế như đã nêu trong dự thảo và các ý kiến trao đổi.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tất cả sở ngành, địa phương rà soát những chỉ tiêu chủ yếu của năm nay và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đồng thời triển khai tốt việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2024. Phấn đấu thu ngân sách đảm bảo kế hoạch, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác định giá đất cụ thể để các dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính. Về công tác quy hoạch, giao sở chức năng sớm hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó còn tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, PAR, PAPI, SIPAS cũng như tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư vào Bình Thuận. Ngoài ra cũng quan tâm tổ chức thành công các hoạt động còn lại của Năm Du lịch quốc gia 2023, phát động và duy trì thường xuyên phong trào vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh…