Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đảm bảo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở lại qua đêm thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM. Ghi nhận, các khoa tại bệnh viện đều dán bảng thông báo đăng ký lưu trú nơi dễ nhìn, với nội dung “Bệnh nhân, thân nhân, người nuôi bệnh qua đêm tại bệnh viện phải khai báo tại phòng hành chính hoặc ở các khoa trước 22h. Trường hợp nhập viện sau 22h, thì sẽ bổ sung việc khai báo trước 8h của ngày hôm sau”.
Chị Nguyễn Thị Minh Thắm - Điều dưỡng phụ trách khoa Tim mạch (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận) cho biết: Khi bệnh nhân nhập viện, người nhà xuất trình căn cước công dân gắn chíp. Điều dưỡng quét thẻ qua thiết bị đầu đọc được kết nối phần mềm ASM, dữ liệu thông tin sẽ tự động vào hệ thống, cập nhật thông tin của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đồng thời, giúp công an địa phương tiếp nhận kịp thời, đầy đủ thông tin của người lưu trú góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Nhờ phần mềm ASM, điều dưỡng khoa kiểm soát số lượng người nhà của mỗi bệnh nhân ra vào khoa. Trong tình huống cần thiết, nhân viên y tế liên lạc người nhà bệnh nhân cũng thuận tiện hơn. Thao tác thực hiện phần mềm thì khá dễ và nhanh gọn.
Trước đây, bệnh viện chưa có phần mềm, các điều dưỡng viết các thông tin khai báo của bệnh nhân, người nuôi bệnh vào sổ. Thậm chí thông tin khai không chính xác và mất nhiều thời gian cho cả người khai báo và điều dưỡng cập nhật thông tin. Khi ứng dụng phần mềm, thông tin của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân gần như chính xác 100%. Nhân viên y tế không mất thời gian phải ngồi viết chi tiết từng người, tiết kiệm việc mua sổ - giấy. Đó là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa I, Ngô Văn Ba (Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận).
Một số điều dưỡng, bác sĩ của bệnh viện cho biết: Người nuôi bệnh chưa nắm bắt vai trò quét thẻ căn cước công dân để khai báo lưu trú qua đêm ở bệnh viện. Khi đi nuôi bệnh, một số người quên mang thẻ căn cước công dân, 2 ngày sau người nhà của họ mới mang thẻ đến do ở xa. Vì vậy, việc cập nhật thông tin cho những trường hợp này có sự chậm trễ. Có thể nói, phần mềm ASM mang lại giải pháp cho việc quản lý người ra, vào, lưu trú tại bệnh viện, kiểm soát chặt chẽ thông tin thân nhân bệnh nhân lưu trú, người bệnh mà trước đây bệnh viện chưa thể thực hiện tốt được.
Theo Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh, sau hơn 2 tháng thí điểm mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại 20 khoa của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, phần mềm này giúp bệnh nhân, người nuôi bệnh tại bệnh viện này trải nghiệm được nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian, giảm bớt các giấy tờ mà người dân phải mang theo để xuất trình khi đăng ký lưu trú. Đồng thời, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Việc thí điểm mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM lần này là bước khởi đầu cho công tác triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.