Theo dõi trên

Phan Thiết đang chuyển mình vì dân

02/01/2023, 05:50

Trăm năm trước, Phan Thiết khoác trên mình “chiếc áo” thị xã, ngày 25/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 81 về việc thành lập TP. Phan Thiết. Năm 2009 được công nhận đô thị loại II, để hướng đến đô thị loại I vào năm 2025, Phan Thiết đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tết Nguyên đán sắp tới, người dân Phan Thiết sẽ đón chào năm mới khi thành phố được “trang điểm”, sáng lên sắc diện mới.

Từ chỉnh trang hạ tầng

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại và du lịch của tỉnh Bình Thuận, hướng đến tương lai trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của quốc gia và quốc tế. Do vậy cùng với chủ trương đầu tư của tỉnh, Phan Thiết đang đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, nhiều công trình dự án đã và đang hoàn thành, điển hình như công trình Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, hệ thống đường sá được nâng cấp, cùng với các tuyến đường lớn: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Hùng Vương, Võ Nguyên Giáp… Những năm gần đây có đại lộ Lê Duẩn từ ga Phan Thiết đến vòng xoay Tượng đài Chiến thắng, lớn và đẹp nhất tỉnh kết nối với đường Nguyễn Tất Thành đã đã tạo nên mạng lưới giao thông đô thị liên hoàn, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

dsc_6798.jpg

Đi đôi với xây mới là sửa cũ. Năm 2021, tỉnh đã đầu tư từ ngân sách nhà nước hơn 58 tỷ đồng cho việc chỉnh trang, nâng cấp đường Nguyễn Tất Thành theo quy hoạch phát triển đô thị loại 1, vỉa hè và dải phân cách sử dụng đá granite, cải tạo hệ thống thoát nước và cáp ngầm viễn thông, rặng cây hoa kiểng được thay mới, đang khoe sắc, như sẵn sàng đón chào xuân Quý Mão - 2023. Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia vào năm tới, việc chỉnh trang đô thị được tiến hành đồng loạt trên diện rộng cả nội và ngoại thành phố: Cải tạo nút giao thông đường Hải Thượng Lãn Ông-Nguyễn Hội, cải tạo vỉa hè đường Trần Phú, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Hồng Phong, Phạm Ngọc Thạch… Song song với đó là lắp đặt hệ thống cấp thoát nước, ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong khu dân cư. Qua đó giải quyết ngập úng vào mùa mưa, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Thời gian tới, những dự án lớn sẽ được triển khai: Công trình bờ Kè sông Cà Ty, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng, dự án Chung cư sông Cà Ty, dự kiến tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, được lãnh đạo tỉnh xác định là công trình trọng điểm, cùng với các công trình nâng cấp đường Nguyễn Văn Linh và các tuyến đường ngoại thành ở xã Thiện Nghiệp, phường Hàm Tiến, Mũi Né nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tôn tạo cho thành phố có dáng dấp, diện mạo mới. Rồi đây khi các dự án quan trọng, vốn đầu tư của Trung ương, như tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Cảng hàng không Phan Thiết khánh thành. Và tương lai, các dự án đầu tư của tỉnh, như: Công viên sinh thái Hùng Vương, Khu Trung tâm hành chính, Quảng trường tỉnh, tiến xa hơn nữa là mở rộng không gian thành phố sẽ nâng tầm vóc, quy mô Phan Thiết xứng tầm đô thị văn minh, thông minh, hiện đại, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ. Đó là “cú hích” cho Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận “cất cánh” vươn cao.

Đến nâng cấp kiến trúc thượng tầng

Phan Thiết đang tập trung vào việc xây dựng chính quyền điện tử, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), xem đây là một trong những chương trình lớn, có tầm quan trọng đặc biệt, với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo hiệu quả công việc hành chính. Trước tình hình kết quả CCHC những năm qua chưa đạt như mong muốn, do đó năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, đồng chí Nguyễn Hồng Hải - Bí thư Thành ủy và đồng chí Phan Nguyễn Hoàng Tân - Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết đã thể hiện sự quyết tâm cao, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban, ngành và các phường, xã của thành phố tháo gỡ những vướng mắc, kịp thời khắc phục những hạn chế, đi đôi với hoàn thiện cơ sở vật chất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) để nâng cao mức độ hài lòng của người dân và các doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Hải đã chỉ đạo hàng tháng các đơn vị phải tổ chức họp đánh giá cải cách TTHC, các nội dung liên quan, trong đó có thông tin hồ sơ trễ hẹn hàng tuần của từng địa phương phải được gửi đến các Bí thư Đảng ủy xã, phường để cấp ủy nắm chắc tình hình, qua đó phối hợp chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện. Không dừng lại những gì đã đạt được, Phan Thiết đang tiến tới xây dựng thành phố thông minh, thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) đã đi vào hoạt động. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân nắm bắt thông tin kịp thời và rất phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Mặt khác, người dân cũng phản ánh đến chính quyền những vấn đề bất cập trên các lĩnh vực quản lý để có biện pháp chấn chỉnh. Đó chính là sự tiến tới một chính quyền năng động - chính quyền số để người dân và doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích, nâng cao chất lượng phục vụ cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, như Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết Phan Nguyễn Hoàng Tân xác định: “Đây là bước đi ban đầu nhằm tiến tới cải thiện chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của thành phố”. Đồng thời đây cũng là khởi đầu cho việc xây dựng thành phố hạnh phúc trong tương lai.

Thành phố của dân, do dân và vì dân đã nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, làm những gì có lợi cho dân và doanh nghiệp. Nhưng việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị văn minh, thông minh không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời rất cần sự phát huy vai trò làm chủ, nêu cao trách nhiệm, sự đồng thuận chung sức, chung lòng của mọi người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng thành phố, đóng góp ý kiến về các lĩnh vực quản lý, tăng cường sự tương tác, đối thoại giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, tham gia tích cực các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, người dân cần chấp hành nghiêm Chỉ thị số 31, ngày 9/7/ 2020 của Thành ủy và Kế hoạch số 6050, ngày 4/9/2020 của UBND TP. Phan Thiết về việc thực hiện cuộc vận động người dân Phan Thiết không xả rác thải, nước thải, chất thải ra đường phố và khu vực công cộng để góp phần xây dựng TP. Phan Thiết văn hóa, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

DUY HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
La Gi: Khởi sắc từ những công trình trọng điểm
Thời gian qua, thị xã La Gi đã chủ động huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị với nhiều công trình trọng điểm đã được đồng loạt triển khai.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết đang chuyển mình vì dân