Ảnh: Đ.H |
Có thể nói, vấn đề xây dựng và tổ chức hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao đã được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm hơn trước rất nhiều. Cụ thể năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn này phải hoàn thành quy hoạch đất để nâng cấp và xây dựng mới Trung tâm văn hóa - thể thao theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao gồm: hội trường đa năng, sân khấu phục vụ tập luyện và biểu diễn văn nghệ, khu triển lãm, khu vui chơi, nhà tập luyện thể dục, thể thao và công trình phụ trợ.
Thực hiện theo kế hoạch của UBND tỉnh, Phan Thiết sau đó đã đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2015 - 2020 là hoàn thành quy hoạch giao đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: xây dựng Trung tâm thể dục, thể thao bao gồm, trụ sở làm việc, nhà tập luyện thể dục, thể thao và bể bơi. Tuy nhiên, trong những năm qua nguồn ngân sách của tỉnh cũng như các địa phương, trong đó có thành phố Phan Thiết còn nhiều khó khăn nên việc dành nguồn vốn để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao rất hạn chế. Hàng năm, UBND tỉnh khi phân khai giao dự toán cho các địa phương, trong đó có kinh phí hỗ trợ cho các địa phương đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, ưu tiên các xã đăng ký về đích nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, các địa phương cân đối các nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao của địa phương mình phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí cho nhân dân. Hiện nay nguồn kinh phí của địa phương đang còn khó khăn, chưa thể đầu tư nhiều để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Chính vì thế UBND tỉnh chỉ đạo thành phố Phan Thiết triển khai thực hiện xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao với tiêu chuẩn đô thị loại 2.
Ðể thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao hoạt động có hiệu quả, về lâu dài rất cần có sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo Ðảng, chính quyền. Vì hiện nay một số địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của văn hóa, thể thao và mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị. Chưa quan tâm phát triển đời sống kinh tế đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao, chưa coi phát triển văn hóa, thể thao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Có nhiều vấn đề trong việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao như: xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, tổ chức bộ máy, cán bộ, các chính sách... Bên cạnh đó, các thiết chế cũng cần phải có một nội dung hoạt động phong phú với nhiều hình thức hấp dẫn. Muốn làm được điều đó, đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chuyên nghiệp. Vấn đề kinh phí hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng rất cấp thiết, nên việc xây dựng cơ sở vật chất phải đi đôi với việc ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm các điều kiện để vận hành hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa phù hợp điều kiện kinh tế ở các địa phương…
THANH QUANG