BTO- Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh, khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã có bài phát biểu trước các đại biểu tham dự kỳ họp. Đồng chí đã nêu lên những nội dung trọng tâm mà HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan, ban ngành, các địa phương cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới. Báo Bình Thuận trân trọng trích giới thiệu nội dung phát biểu của đồng chí đến với toàn thể nhân dân tỉnh nhà.
Kính thưa Hội đồng nhân dân tỉnh!
Thưa toàn thể quý vị đại biểu!
Sau một ngày rưỡi làm việc rất tích cực, khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 và 16 nghị quyết chuyên đề. Trong 16 chuyên đề này, có 3 nghị quyết về chế độ, chính sách, 1 nghị quyết về bãi bỏ quy phạm pháp luật không phù hợp và hết hiệu lực, 1 nghị quyết về giám sát và 11 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại kỳ họp. |
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang còn rất phức tạp, cho thấy Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh rất nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao trong xây dựng, hoàn thiện các báo cáo, dự án đầu tư, tờ trình và thẩm định nội dung các tờ trình; vừa phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; không vì dịch bệnh mà để công việc ngưng trệ.
Từ sau kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh cho đến nay, có thêm nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra. Do đó, trước khi kết thúc kỳ họp tôi xin trao đổi một số nội dung để Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương suy nghĩ và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới.
Trước hết, vừa qua, kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập, được Quốc hội tin tưởng, trao quyền chủ động mạnh mẽ hơn trong quyết định các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trong phát biểu nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết sẽ xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, năng động đổi mới sáng tạo. Thành công của kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XV và những kinh nghiệm lập pháp của kỳ họp, quyết tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới cần được Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền các địa phương, cơ quan, ban, ngành nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn; đồng thời, chúng ta phải tích cực, chủ động và quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ theo các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo triển khai của Chính phủ, trong đó trọng tâm là nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 5 năm 2021 - 2025.
Thưa Hội đồng nhân dân tỉnh, thưa quý đại biểu!
Chúng ta đã đi qua gần 2/3 năm 2021 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới. 6 tháng đầu năm, chúng ta có sự khởi đầu khá thuận lợi, GRDP tăng 7,53%, thu hút vốn đầu tư xã hội tăng 34,6% so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt 89% kế hoạch dự toán năm… Các công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, ngày 10/8/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó, đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ mới như: (1) Ban hành thêm 1 nghị quyết về “Một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống cho nhân dân tỉnh Bình Thuận”, thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy trong chăm lo đời sống nhân dân tỉnh nhà, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, (2) Thực hiện nhanh, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, (3) Đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn phát triển kinh tế - xã hội, (4) Tập trung nguồn lực, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, các công trình tạo động lực phát triển, các công trình chỉnh trang đô thị, các công trình bức xúc liên quan đến đời sống của số đông nhân dân…
Trong phát biểu thảo luận, các đại biểu Hội đồng nhân dân đã bày tỏ sự phấn khởi về kết quả 6 tháng đầu năm 2021, song cũng bày tỏ sự lo lắng về tình hình thời gian tới. Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 lây lan nhanh, diễn biến phức tạp và có những điều chúng ta chưa từng nghĩ tới. Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế “lâm bệnh nặng”, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh tổn thất nặng nề, trong đó Bình Dương chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng đang có nguy cơ cao. Tỉnh ta có hơn 1.500 ca dương tính; ngoài huyện đảo Phú Quý, các địa phương còn lại đều có dịch bệnh, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, làm cho những dự báo, kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của năm 2021 có nhiều sự thay đổi. Ngành du lịch là thế mạnh và là một trong những trụ cột kinh tế của chúng ta, năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm, khó phục hồi; nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Những tháng còn lại của năm 2021 sẽ rất khó khăn bởi còn có thiên tai, mưa bão… Tất cả những vấn đề đó đang có những tác động ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021.
Thưa Hội đồng nhân dân tỉnh, thưa quý đại biểu!
Tổng cục Thống kê đã có dự báo tăng trưởng GRDP của chúng ta năm 2021 chỉ 3,26%, nghĩa là 6 tháng còn lại, có thể là tăng trưởng rất thấp hoặc là tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy, năm nay sẽ khó khăn nhiều hơn so với năm 2020 (năm 2020 tăng trưởng GDP của cả nước đạt 2,91% và Bình Thuận là 4,54%). Đây là điều chúng ta phải nghĩ đến để nỗ lực phấn đấu nhiều hơn trong thời gian tới.
Là một tỉnh ở cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng đệm của 19 tỉnh, thành của khu vực phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua chúng ta đã nỗ lực, chủ động, phát huy tinh thần đoàn kết của toàn dân, của hệ thống chính trị và nội lực, thực hiện tốt 4 tại chỗ, bình tĩnh, từng bước khoanh vùng dập dịch nên tuy chúng ta có trên 1.500 ca dương tính, song tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đã cơ bản trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch Covid-19 cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, cần đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, sớm phục hồi kinh tế của tỉnh để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đã đề ra. Để vượt qua khó khăn, cần có sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn của cả hệ thống chính trị, phải có cách tiếp cận mới, cách làm đột phá hơn với quyết tâm cao hơn. Tôi xin nêu một số nội dung sau:
1. Nhiệm vụ ưu tiên là phải tập trung phòng chống và nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19; đồng thời, chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thăm chốt kiểm soát dịch tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân. |
- Trong công tác phòng chống dịch cần huy động nhiều hơn nữa nhân lực, vật lực, tăng cường kiểm dịch vùng đỏ - vùng nguy cơ rất cao; tiến hành sàng lọc dịch bệnh trong cộng đồng; bảo vệ và mở rộng vùng xanh; thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo: Tăng cường dự báo, thực hiện giải pháp phòng chống sớm hơn một bước, cao hơn một bước, nhưng không hốt hoảng, không mất bình tĩnh.
- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, nhất là bà con trong khu vực cách ly, khu vực phong tỏa, những khu vực, đối tượng, ngành nghề gặp khó khăn. Chúng ta cần tiếp tục quan tâm thực hiện việc chăm lo đời sống cho nhân dân, trong đó chú ý thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 68/NĐ-CP, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng chủ trương, chính sách đã có nhưng không đến với người dân hoặc vì văn bản, giấy tờ hành chính mà dẫn đến chậm trễ, người dân bị thiệt thòi.
Báo cáo với Hội đồng, ngày 16/8/2021 vừa rồi, trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Thường trực Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương hỗ trợ cho những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ trong đợt này dự kiến là khoảng gần 60 tỷ đồng, mức hỗ trợ một người là 1.500.000 đồng. Trước đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xuất nguồn kinh phí từ Quỹ ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 trên 4 tỷ đồng để chuyển đến hộ nghèo và những người già neo đơn không nơi nương tựa… Có một điều rất quý, là trong thời gian qua, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân, đã có nhiều hình thức hỗ trợ cho những gia đình gặp khó khăn, giúp dân trong các vùng bị cách ly, bị phong tỏa. Chúng ta khó khăn nhưng vẫn tổ chức đưa người dân Bình Thuận từ thành phố Hồ Chí Minh trở về. Tuy nhiên, tôi rất buồn khi một số ngành, một số địa phương, một số cán bộ, công chức chưa có quyết tâm cao, thiếu nhạy bén, chậm trễ trong việc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19… Chúng ta phải phấn đấu không để cho người dân thiếu ăn, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu, thiếu sự chăm sóc y tế. Chúng ta phải chủ động sẵn sàng ứng phó những điều kiện khó khăn, cấp bách và cam go nhất với tinh thần chủ động cao nhất; các địa phương, các ngành cần cố gắng hơn nữa, nếu khó khăn thì báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết. Đồng thời, tôi mong từng vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và từng tổ đại biểu tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch mà Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đang và sẽ triển khai thực hiện, đồng thời giám sát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thưa Hội đồng nhân dân tỉnh, thưa quý đại biểu!
Cùng với ngăn chặn kiểm soát dịch Covid-19, chăm lo đời sống nhân dân, chúng ta cần có kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế ngay sau khi kiểm soát được dịch. Đây là một bài toán khó, không kém gì bài toán phòng chống dịch. Lúc này, chúng ta không được có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương mà phải chủ động phát huy nội lực của chính bản thân mình. Với những khó khăn hiện tại thì từ đây đến cuối năm 2021 và đến giữa năm 2022 chúng ta xác định là giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi; nửa cuối năm 2022 là giai đoạn đẩy nhanh tốc độ phát triển, bù cho giai đoạn sụt giảm, để phấn đấu đạt được mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ. Trong đó, chúng ta kiên trì ưu tiên phát triển 3 trụ cột “công nghiệp, du lịch, nông nghiệp”. Du lịch có thể phục hồi chậm hơn nên chúng ta sẽ phải có những giải pháp tăng tốc phát triển công nghiệp, nông nghiệp để bù đắp vào sự thiếu hụt của tăng trưởng GRDP.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án Cảng hàng không Phan Thiết, đường bộ cao tốc Bắc – Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho các dự án điện gió, điện mặt trời hoàn thành lắp đặt, đấu nối, phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Đặc biệt, phải triển khai thực hiện tốt các dự án đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công kích hoạt, dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư tư. Tôi đề nghị UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương theo trách nhiệm của mình cần quan tâm chỉ đạo thực hiện đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là công trình làm mới trục ven biển ĐT.719B, đoạn Phan Thiết - Kê Gà; các công trình thủy lợi đã được phân bổ kinh phí; công trình xây dựng hồ Ka Pét; công trình cầu Văn Thánh, bờ kè sông Cà Ty đoạn từ cầu Dục Thanh đến cầu Bát Xì, chung cư Cà Ty để thực hiện tái định cư cho người dân...
2. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quyết liệt, mạnh mẽ, phát huy cao nhất vai trò của người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên.
7 tháng qua, mặc dù chúng ta có những thành tựu song nhìn lại công việc còn chậm, có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong cán bộ, công chức và giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương. Thời điểm này, giai đoạn này đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, mạnh mẽ, khoa học hơn trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nếu không, chúng ta sẽ mất cơ hội, lợi thế để phát triển, đánh mất sự kỳ vọng, niềm tin của nhân dân. Tôi đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, từng vị đại biểu Hội đồng nhân dân chú ý giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải nâng cao chất lượng tham mưu, chất lượng đội ngũ cán bộ, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, làm rõ trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tôi xin nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đây và Thủ tướng Phạm Minh Chính để các đồng chí suy nghĩ: Nếu ai cảm thấy không làm được thì đứng qua một bên để người khác làm, chứ không thể để tình trạng đùn đẩy, né tránh, chậm trễ như thời gian vừa qua. Đồng thời, đề nghị cần phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết những khó khăn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đến các nhu cầu, nguyện vọng, những bức xúc của nhân dân và doanh nghiệp. Chúng ta đang sống chậm lại do Covid-19, chúng ta nên dành một phần thời gian sống chậm lại đó để suy ngẫm về công việc, để hoàn thiện những bất cập, giải quyết những vướng mắc để công việc sau này được tốt hơn…
Kính thưa Hội đồng nhân dân tỉnh!
Thưa toàn thể quý vị đại biểu!
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song với truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng tỉnh Bình Thuận sẽ kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, đạt được kết quả như mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Chúc toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn.
PV