Trang Deseret News đưa tin, hôm qua (20/1) các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California (Caltech), Mỹ đã thông báo về việc “có bằng chứng thuyết phục” về “Hành tinh thứ 9” (hay còn gọi là Hành tinh X) trong hệ Mặt Trời.
Các nhà khoa học cho rằng, sự tồn tại của hành tinh thứ 9 trong hệ Mặt Trời là hoàn toàn có khả năng. (Ảnh: AP) |
Hai nhà khoa học Mike Brown và Konstantin Batygin tuyên bố họ phát hiện bằng chứng về sự tồn tại của “Hành tinh thứ 9” trong hệ Mặt Trời dựa trên kết quả phân tích các thiên thể nằm ngoài quỹ đạo sao Hải Vương - hành tinh xa nhất trong hệ Mặt Trời.
Các nhà khoa học của Caltech cho biết, kết quả phân tích cho thấy, những thiên thể nhỏ hơn ngoài vòng quỹ đạo của sao Hải Vương dường như bị ảnh hưởng bởi một hành tinh khổng lồ.
“Hành tinh X” có khối lượng gấp khoảng 10 lần Trái đất và di chuyển trên một quỹ đạo “lạ và dẹt”.
Konstantin Batygin và Mike Brown nói rằng, con người chưa thể quan sát “Hành tinh thứ 9” qua các thiết bị quan sát. Họ phát hiện nó nhờ mô hình giả lập trên máy tính.
“Đây là lần đầu tiên trong hơn 150 năm, chúng ta có bằng chứng đáng tin cậy rằng quá trình thống kê số lượng thiên thể trong hệ Mặt Trời vẫn chưa hoàn thành”, nhà nghiên cứu Batygin nói.
Hiện tại hàng loạt kính thiên văn hiện đại, bao gồm cặp kính W. M. Keck và Subaru trên đỉnh Maunakea ở Hawaii, Mỹ, đang tìm “Hành tinh thứ 9”.
Những kết luận trên có thể chưa rõ ràng, nhưng nhà thiên văn học Scott Sheppard thuộc Viện nghiên cứu Carnegie ở Mỹ cho rằng, đây là giải thích thuyết phục về sự tồn tại của một hành tinh khổng lồ.
Ông Robert Massey, phó Giám đốc Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh cho rằng, “Không phải mọi dự đoán đều trở thành hiện thực. Nhiều trường hợp các nhà khoa học dự đoán sự tồn tại của hành tinh, song họ không tìm thấy chúng”.
Tuy nhiên, ông Massey cũng nói thêm rằng, những nhà khoa học công bố nghiên cứu về “Hành tinh thứ 9” đều có uy tín, nên giả thuyết của họ rất xứng đáng để dư luận chú ý.
Nếu sự tồn tại của “Hành tinh X” được xác nhận, tổng số hành tinh trong hệ Mặt Trời sẽ nâng từ 8 lên con số 9. Hành tinh mới cũng sẽ là thế giới lạnh nhất và xa nhất trong hệ Mặt Trời.
Hùng Cường/VOV