Theo dõi trên

Phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng kịp thời, hiệu quả

26/08/2016, 10:17

BTO- Trong các năm trước, việc tự phát hiện tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị  trên địa bàn tỉnh được xác định là khâu yếu. Tuy nhiên, gần đây các cấp ủy đảng, người đứng đầu đã quan tâm chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ tự phát hiện qua từng năm được nâng lên. Trong tổng số 127 vụ/213 người có dấu hiệu, hành vi tham nhũng được phát hiện trong 10 năm qua có 19 vụ/24 người được phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ (chiếm 15%). Cụ thể, năm 2006: 1 vụ/1 người; năm 2007: 3 vụ/4 người; năm 2008: 1 vụ/2 người; năm 2009: 1 vụ/5 người; 2010: 2 vụ/2 người; năm 2012: 2 vụ/1 người; năm 2013: 2 vụ/2người; năm 2014: 3 vụ/3người và năm 2015: 3 vụ/3 người.

Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng, lãng phí được quan tâm tổ chức thực hiện. Tổng số đơn, thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị liên quan đến tham nhũng là 336. Trong đó có 186 (chiếm 55,26%) đơn thư mạo danh, nặc danh, không có địa chỉ và nội dung cụ thể. Trong số 150 đơn đủ điều kiện giải quyết, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết xong 141 đơn (đạt 94%); kết quả nội dung tố cáo, phản ánh có đúng có sai 33 đơn (23,4%), nội dung tố cáo sai 45 đơn (31,9%), nội dung không có căn cứ giải quyết 63 đơn (44,7%). Một số nội dung tố cáo đúng đã được tiến hành thanh tra, kiểm tra kết luận xử lý xong. Có 8 vụ chuyển sang Cơ quan Điều tra để xác minh làm rõ gồm: Vụ sai phạm trong mua bắp của bà con dân tộc (Ban Dân tộc Miền núi tỉnh); vụ phá hoại đất rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú; vụ sửa chữa hồ sơ xe ô tô thi hành án (Cục Thi hành án tỉnh); vụ Trung tâm dạy nghề huyện Tuy Phong; vụ Cục Thi hành án dân sự tỉnh; vụ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; vụ Ngô Văn Phong - Phó Giám đốc lâm nghiệp Hàm Thuận Nam; vụ Trường Tiểu học Hàm Thạnh 1.

 Tổng số vụ tham nhũng trong toàn tỉnh phải xử lý là 127 vụ/213 người, giá trị thiệt hại là 31,52 tỷ đồng, 86 chỉ vàng, 16,064 ha đất các loại… đã thu hồi 18,222 tỷ đồng. Qua số liệu này cho thấy các vụ tham nhũng ở Bình Thuận trong 10 năm qua hầu hết là “tham nhũng vặt”. Đối tượng tham nhũng chủ yếu là cấp xã 118 người, tiếp đến cán bộ cấp huyện là 72 người; cán bộ công chức cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp cấp tỉnh là 23 người. Việc thu hồi tài sản tham nhũng tuy còn thấp (đạt gần 58%) nhưng có chuyển biến tích cực so với thời gian trước và so với mức bình quân chung của cả nước (khoảng 30%).

Để công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới đạt kết quả cao hơn phải coi trọng hai mặt “vừa tăng cường các biện pháp phòng ngừa vừa đẩy mạnh đấu tranh  chống hành vi tham nhũng”. Nâng cao năng lực tự quản lý, tự kiểm soát, tự kiểm tra phòng ngừa, phát hiện của cơ sở. Cụ thể hóa quy định pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nhằm khắc phục tình trạng bao che, giảm nhẹ hoặc che giấu hành vi tham nhũng xảy ra ở đơn vị, địa phương vì sợ xử lý trách nhiệm người đứng đầu, sợ mất thành tích thi đua của đơn vị. Thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, quy định thống nhất cơ quan tham mưu, theo dõi, báo cáo, tránh tình trạng phân tán ở nhiều cơ quan như hiện nay.

THỀ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng kịp thời, hiệu quả