Theo dõi trên

Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo

05/12/2023, 05:18

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, tỉnh đã thu hút đầu tư một số các công trình, dự án điện có quy mô lớn, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Kết quả bước đầu

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu, chỉ tiêu, những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và tính chủ động của đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở hoàn thiện cơ chế “một cửa”, nhất là về lĩnh vực đất đai, đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, bảo đảm phát triển năng lượng bền vững, hiệu quả.

z4940547437937_8dfeb7a71bcf79a6b1e1e17101d95489.jpg
Điện mặt trời. Ảnh: N.Lân

Sau khi có Nghị quyết số 55, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực được cấp thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh, bao gồm các công trình cấp điện nguồn và lưới điện truyền tải, phân phối. Tỉnh Bình Thuận phấn đấu nâng cao năng lực dự phòng và cung ứng năng lượng, điện đạt các chỉ tiêu như: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng điện của tỉnh theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt, đáp ứng tốt yêu cầu cho các mục tiêu phát triển. Phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời... Nhờ đó, đến nay, tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ. Riêng trong lĩnh vực đầu tư lưới điện phân phối và kinh doanh điện do Công ty Điện lực Bình Thuận (trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam - Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đảm nhận.

Trong giai đoạn từ tháng 2/2020 đến tháng 6/2023, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động phát điện thêm 11 nhà máy điện năng lượng tái tạo, tổng công suất hơn 409 MW. Đến nay, toàn tỉnh có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523 MW; sản lượng điện thiết kế của 47 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh trên 31 tỷ kWh/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã đầu tư, nâng cấp trang, thiết bị sản xuất để tiết kiệm năng lượng như: Duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị dây chuyền trong sản xuất để giảm tổn thất, lắp đặt biến tần cho các động cơ điện, thay đèn dây tóc bằng đèn LED hiệu suất cao, sử dụng máy lạnh có inverter cho văn phòng làm việc, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, dự phòng các thiết bị điện để kịp thời thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố...

h30.png
Phát triển điện gió tại tỉnh.

Những kiến nghị, đề xuất

Thời gian tới, để triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết số 55, Quyết định số 2068 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về mục tiêu Net Zero vào năm 2050; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Kinh tế Trung ương Đảng quan tâm, xem xét, có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết một số vấn đề. Cụ thể đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi có những yêu cầu đặc thù từ khâu khảo sát, thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt ngoài khơi, vận hành, bảo dưỡng, kết nối với hệ thống đường dây truyền tải điện quốc gia, thu xếp tài chính... rất khác biệt so với điện gió gần bờ, trên bờ và càng khác biệt so với các dạng năng lượng tái tạo khác.

Do đó, tỉnh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương Đảng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương chỉ đạo thực hiện thí điểm dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển tỉnh Bình Thuận hoặc vùng biển các địa phương khác; trên cơ sở đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Chiến lược biển Việt Nam, cách thức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư (khảo sát, đầu tư), các cam kết với Chính phủ Việt Nam về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tính toán giá điện, hợp đồng mua bán điện, phương án đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia của các dự án điện gió ngoài khơi theo cơ chế ưu tiên cho các dự án đi tiên phong, mang lại các hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn đầu tư cho các dự án tiếp theo.

Mặt khác, để phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo nói chung, ngành điện gió ngoài khơi nói riêng, tỉnh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương Đảng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương chỉ đạo xây dựng chính sách, quy định về việc chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư các dự án lớn về đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhằm nhanh chóng phát triển và tăng dần tỷ trọng nội địa hóa trang thiết bị, kỹ thuật, nhất là trang thiết bị có công nghệ cao, công nghệ nguồn như các tuabin gió công suất lớn và ngành công nghiệp môi trường xử lý các máy móc, thiết bị của ngành năng lượng tái tạo hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng có hiệu quả cao, hướng đến kinh tế tuần hoàn trong ngành năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, xem xét thực hiện bổ sung quy hoạch điện lực, đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các hệ thống đường dây truyền tải và các trạm biến áp 500 kV, 220 kV và 110 kV, triển khai đồng bộ để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất, phát huy hiệu quả các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, sớm xem xét giải quyết kiến nghị của tỉnh Bình Thuận về việc di dời các hộ dân tại thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (tiếp giáp Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng) bị ảnh hưởng bởi bụi, tiếng ồn từ Trung tâm điện lực Vĩnh Tân nhằm tạo khoảng cách an toàn về môi trường cho khu vực dân cư tại các thôn Vĩnh Phúc, thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong...

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận hiện có 35/38 dự án điện gió và điện mặt trời đang phát điện
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 38 dự án điện gió và điện mặt trời, trong đó có 12 dự án điện gió với tổng công suất 455,1 MW đã được các chủ đầu tư triển khai xây dựng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo