Theo dõi trên

“Phạt nguội” – những hạn chế cần sớm khắc phục

22/04/2019, 08:28

BT- Có thể khẳng định, từ khi hình thức “phạt nguội” thông qua camera giám sát được thực hiện, đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội. Điều quan trọng hơn là ý thức của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần giảm thiểu các vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện “phạt nguội”, đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần sớm có giải pháp khắc phục. 

                
   Camera giám sát giao thông tại ngã tư Trần    Hưng Đạo – Thủ Khoa Huân.

Ý thức chấp hành luật và xử phạt còn kém

Từ năm 2018, TP. Phan Thiết đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông quan trọng, gồm 4 vị trí giám sát tốc độ trên đường Võ Văn Kiệt và đường Hùng Vương; 6 vị trí giám sát vi phạm vượt đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Cao Thắng, Trần Hưng Đạo - Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Huân - Tôn Đức Thắng, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Tất Thành. Từ 1/1/2019, việc “phạt nguội” bắt đầu được thực hiện, dựa trên hình ảnh mà camera ghi lại và truyền trực tiếp về hệ thống máy chủ khi phát hiện các lỗi vi phạm. Từ biển số xe, lực lượng chức năng sẽ xác minh thông tin chủ phương tiện để gửi giấy thông báo, mời người vi phạm đến làm việc và tiến hành các thủ tục xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), số người vi phạm luật giao thông trên địa bàn chấp hành xử phạt còn rất thấp. Cụ thể trong quý 1/2019, thông qua camera, đơn vị phát hiện và gửi thông báo đến 3.322 trường hợp vi phạm. Trong đó chủ yếu là vi phạm vượt quá tốc độ cho phép gồm 2.427 trường hợp, không chấp tín hiệu đèn giao thông là 895 trường hợp. Trong số đó chỉ có 1.534 giấy thông báo đến được chủ phương tiện, các trường hợp còn lại đều bị bưu điện trả về vì nhiều lý do như, người vi phạm từ chối không nhận thông báo từ nhân viên bưu điện, địa chỉ người vi phạm không cụ thể, không có số nhà, người vi phạm đã chuyển khỏi nơi cư trú nên không chuyển phát được…

Đáng chú ý, trong hơn 1.500 giấy báo đến được tay người vi phạm như đã nói trên, nhưng chỉ có 184 trường hợp đã xử lý, nộp phạt gần 185 triệu đồng vào ngân sách nhà nước, trong đó có 26 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn.  

Sẽ cương quyết xử lý

Theo đơn vị tiếp nhận và điều hành hệ thống camera, một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phạt nguội, là xác minh chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm. Do thực tế hiện nay, tình trạng mua bán phương tiện giao thông cơ giới, chủ phương tiện chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên theo quy định hiện hành vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, việc chủ xe thay đổi chỗ ở, khai không đúng địa chỉ, cũng là một trong những trở ngại để “truy” người điều khiển phương tiện vi phạm...

Mặt khác, đối với một số cá nhân, tổ chức nhận được thông báo nhưng không tới xử lý, thì cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết. Có trường hợp được gửi giấy thông báo, nhưng người vi phạm lại trình báo xe hiện hư hỏng, không tham gia giao thông đã nhiều năm… Thái độ coi thường lệnh xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh của người vi phạm, cũng là một nguyên nhân khiến cho hiệu quả xử lý thời gian qua chưa cao. Theo quy định, sau 3 lần gửi giấy báo mà người vi phạm vẫn không chấp hành đóng phạt, thì sẽ bị cưỡng chế. Thế nhưng, cưỡng chế như thế nào thì hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, hệ quả là chưa có trường hợp nào bị… cưỡng chế. 

Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: “Đối với những vấn đề trên, chúng tôi đã có đề xuất đối với cơ quan cấp trên để có biện pháp giải quyết, trong đó đã đề nghị Ban ATGT tỉnh nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, các địa phương, làm sao để nâng cao được hiệu quả xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát, nhất là đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm nhiều lần, hoặc ngoan cố không chấp hành nộp phạt. Ngoài ra, nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình giao thông và xử lý kịp thời, chính xác những vụ việc vi phạm, đơn vị sẽ phối hợp với Công an TP. Phan Thiết đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý tại chỗ, hay còn gọi là “phạt nóng” đối với các hành vi vi phạm, thông qua đường truyền dữ liệu từ camera giám sát”. 

    
      Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ hay Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn   chưa có quy định rõ ràng về việc “phạt nguội”, gây khó khăn trong quá   trình xử lý. Do đó để camera giám sát giao thông thật sự phát huy hiệu   quả, bên cạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng khung pháp lý riêng cho   “phạt nguội”, thì việc áp dụng công nghệ vào công tác quản lý giao thông   cần được thực hiện đồng bộ. Tất cả vì mục đích đảm bảo trật tự an toàn   giao thông, bảo vệ người đi đường bình an.

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác này ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “Chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Phạt nguội” – những hạn chế cần sớm khắc phục