Chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ, phòng chống dịch bệnh.
Tính đến cuối tháng 5, tổng đàn heo toàn tỉnh có 323.600 con, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số lượng đàn heo của doanh nghiệp là 148.095 con chiếm 45,8% trong tổng đàn, còn lại là của nông hộ, trang trại chiếm 54,2% (175.505 con). So với năm 2021, đàn heo có khuynh hướng giảm dần ở nông hộ và tăng dần ở doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Nguyên nhân do trong những năm gần đây quá trình đô thị hóa, các hộ chăn nuôi heo nằm trong khu dân cư, ô nhiễm nên một số địa phương như Phan Thiết, La Gi nghỉ dần. Mặt khác, chăn nuôi hộ dễ phát sinh bệnh dịch, không chủ động được đầu ra, dễ bị thua lỗ mỗi khi rớt giá. Trong khi đó, ở các trang trại, doanh nghiệp có cơ sở vật chất, kỹ thuật cao, kiểm soát được bệnh dịch, từ khâu chăn nuôi đến khi tiêu thụ, 4 sản phẩm sản xuất từ thịt được thực hiện theo dây chuyền khép kín, chủ động được nguồn cung nên không bị ảnh hưởng nhiều về giá đầu ra.
Đàn gia cầm toàn tỉnh ước có 4.890 ngàn con, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đàn gà 3.730 ngàn con, tăng 23,9%. Số trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng đàn. Chăn nuôi gia cầm chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất, kiểm soát được bệnh dịch và đặc biệt là bảo đảm được đầu ra sản phẩm đang chiếm dần ưu thế vượt trội, xóa bỏ dần tập quán chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, rủi ro về dịch bệnh và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.