Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, Nghị định 98 ra đời là động lực rất quan trọng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Qua đó nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao lợi ích của các cá nhân tham gia trong chuỗi liên kết, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, nâng chất lượng sản phẩm nông sản sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn.
Thực hiện Nghị định 98, tính đến năm 2023, toàn tỉnh có 10 chuỗi liên kết được phê duyệt và triển khai. Trong đó có 9 chuỗi cấp huyện và 1 chuỗi cấp tỉnh. Tổng kinh phí các dự án, kế hoạch liên kết được cấp thẩm quyền phê duyệt là 51,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 29,4 tỷ đồng. Quy mô tại các dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt tính đến 31/12/2022 theo các sản phẩm là 10 chuỗi liên kết, quy mô sản xuất 1.124 ha, 154 con bò với 803 hộ tham gia.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cho rằng, Bình Thuận nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng diện tích đất nông nghiệp trên 702.700 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 356.700 ha, với các loại cây trồng chính như lúa, thanh long, cao su, điều…
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và tỉnh, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã có bước chuyển biến rõ rệt. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất từng bước được đẩy mạnh… Lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tựu đã đạt được đối với ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá, công tác phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh với UBND cấp huyện có lúc, có nơi thiếu chủ động, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các sở, ban ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, để các chủ thể nâng cao nhận thức xây dựng dự án, kế hoạch liên kết. Ngành nông nghiệp cần chủ trì, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã trong thực hiện Nghị định 98. Nhất là tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp, lồng ghép các chương trình của tỉnh, nguồn vốn ngân sách để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành chuỗi liên kết.
Song song, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương cần có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hiệu quả của đội ngũ chuyên môn lĩnh vực nông nghiệp… Qua thực hiện chuỗi, có những vấn đề đang tồn tại, vướng mắc, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, trả lời, tập hợp báo cáo tỉnh. Riêng các địa phương cần phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, rà lại việc triển khai thực hiện các chuỗi, đồng thời cần quan tâm hơn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thực hiện Nghị định 98. Ngoài ra, các hiệp hội trong tỉnh cần năng động hơn nữa, nhất là vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp, HTX và người dân; tăng cường thông tin về giá cả thị trường, khuyến cáo để nông dân chủ động sản xuất. Mặt khác, lãnh đạo UBND tỉnh mong các hợp tác xã cùng chung tay vượt khó, cùng tạo ra nhiều sản phẩm sạch cho xã hội. Với trách nhiệm của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Hải cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện chính sách theo Nghị định 98 tốt nhất.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 tập thể và 1 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm (2018 – 2023) thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98.