Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh đã thống nhất 3 nội dung chất vấn do thủ trưởng các Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải trả lời trực tiếp tại nghị trường. Trong đó, lĩnh vực y tế nhận được nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh.
Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Y tế- ông Nguyễn Quốc Việt đăng đàn trả lời chất vấn về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các đại biểu đặt câu hỏi: Hiện nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế xảy ra ở nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các trường hợp bệnh nhân có tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đặc biệt, còn xảy ra tình trạng bệnh nhân khi điều trị phải mua thuốc và vật tư y tế cần thiết bên ngoài theo chỉ định của bác sĩ...
Đề nghị Sở Y tế cho biết thực trạng tình hình sử dụng thuốc và trang thiết bị y tế hiện nay. Có hay không tình trạng như cử tri phản ảnh ở trên? Trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chất vấn tại nghị trường, đại biểu (ĐB) Huỳnh Thị Hoa đề nghị Sở Y tế cung cấp thêm thông tin tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở địa bàn nào. Khoảng thời gian nào trong năm 2023, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trên địa bàn tỉnh được giải quyết?
Trả lời chất vấn nội dung này, ông Nguyễn Quốc Việt- Giám đốc Sở Y tế cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong năm 2022 xảy ra trên phạm vi cả nước. Tại Bình Thuận, việc thiếu thuốc, vật tư y tế được đánh giá chỉ mang tính cục bộ, tập trung chủ yếu vào cuối quý II, đầu quý III năm 2022 và chỉ thiếu trong một khoảng thời gian ngắn, không có trường hợp thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế kéo dài. Các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế được khắc phục sớm từ một đến hai tuần.
Người đứng đầu ngành y tế tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế do dự báo chưa sát tình hình sử dụng, dẫn đến việc mua sắm, nhập kho không kịp thời. Có trường hợp khan hiếm và có cả trường hợp không có thuốc, vật tư để mua. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguyên liệu sản xuất thiếu, hiếm, chuỗi sản xuất bị đứt gãy ở một số khâu.
ĐB Lê Thị Bích Liên cũng nêu ý kiến: Ở tuyến huyện vắc xin phòng bệnh dại không đáp ứng trong dân và tại CDC cũng thiếu, giải pháp nào để đảm bảo lượng vắc xin này? Riêng ĐB Huỳnh Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh: Áp lực của bác sĩ ở khu vực y tế công rất lớn, trong khi chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, dẫn đến nhiều bác sĩ không gắn bó với ngành, nghề. Vậy có biện pháp gì để giữ chân đội ngũ này?
Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở và các ngành, địa phương đang khắc phục khó khăn, khẩn trương thực hiện việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Đối với các thuốc không có nhà thầu tham dự, không có doanh nghiệp cung ứng, Hội đồng thuốc và Điều trị của bệnh viện, trung tâm y tế họp, lựa chọn các thuốc có tác dụng tương tự để thay thế trong phác đồ điều trị. Ngoài ra, thực hiện việc điều chuyển, tạm mượn của các đơn vị trong và ngoài tỉnh đáp ứng ngay nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Nhờ đó, việc thiếu thuốc, vật tư y tế trong một số thời điểm ở một vài
đơn vị trên địa bàn tỉnh nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, thuốc, vật tư y tế phục vụ cấp cứu không thiếu; hoạt động phòng, chống dịch bệnh, y tế dự phòng
vẫn được duy trì liên tục.
Kết luận nội dung chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, cũng như duy trì và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá cụ thể tình trạng, mức độ thiếu thuốc, vật tư y tế ở từng tuyến, xác định thiếu những loại nào? nguyên nhân vì sao? để có phương án điều chuyển, tạm mượn của các đơn vị trong và ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Khẩn trương thanh toán nợ cho các nhà thầu để đảm bảo điều kiện được cung ứng thuốc nhanh, thuận tiện nhất.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế nâng cao năng lực dự báo tình hình bệnh. Trên cơ sở đó, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế và trang thiết bị y tế đã được phê duyệt chủ trương mua sắm hoặc kế hoạch đấu thầu.