Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ phát biểu khai mạc nhấn mạnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV thông qua kỳ họp thứ 3 vừa rồi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật sửa đổi lần này có 120 điều được điều chỉnh liên quan tới các luật (Giá, Hải quan, Sở Khoa học & Công nghệ; Quản lý, sử dụng tài sản công) đảm bảo thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế, xã hội nước ta; phù hợp các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tiếp đó, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng, Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu những điểm mới Luật Sở hữu trí tuệ lần này. Cụ thể những điểm mới của luật tập trung vào các nhóm chính sách lớn như: Bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Điểm mới về đại diện và giám định sở hữu công nghiệp; khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp.
Ông Khuê cũng lưu ý các điểm mới lần này trong luật bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục xác lập quyền... Trong đó, các thay đổi liên quan đến các chế định bảo hộ nhãn hiệu là điều các doanh nghiệp cần nắm rõ.
Bên cạnh, luật đã mở rộng việc bảo hộ đến nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình. Các tiêu chí đánh giá các nhãn hiệu nổi tiếng, cũng như các căn cứ để từ chối, hủy bỏ hay chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu là những điểm mới doanh nghiệp cần quan tâm để bảo hộ nhãn hiệu của đơn vị.