Theo dõi trên

Phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số: Điểm sáng Đông Tiến

12/04/2018, 08:24

BT- Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật trong đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thay đổi nhận thức

Đông Tiến là xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hàm Thuận Bắc, số hội viên phụ nữ có 253 chị/326 phụ nữ toàn xã, trong đó phụ nữ dân tộc chiếm tỷ lệ 99%, chủ yếu dân tộc  K’ho. “Trước đây do nhận thức của một bộ phận chị em còn hạn chế nên tình trạng phụ nữ vi phạm pháp luật thường xuyên xảy ra trên địa bàn xã. Dẫn chứng, trước năm 2010 có 8 hội viên phụ nữ vi phạm pháp luật do phá rừng làm rẫy, tình trạng phụ nữ tảo hôn lấy chồng dưới 18 tuổi thường xuyên diễn ra trên địa bàn xã. Cùng với đó, nổi lên tình trạng phụ nữ khi bị bạo hành gia đình nhưng cam chịu…Nhưng đến nay, tình trạng phụ nữ vi phạm pháp luật, nạn tảo hôn đã chấm dứt, bạo lực gia đình đã giảm hẳn, phụ nữ được tôn trọng hơn”, bà K’Thị Hồm  - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Tiến cho biết.

Theo bà Hồm, có được kết quả đó là nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ thường xuyên được đẩy mạnh thực hiện. Hàng năm, hội viên phụ nữ trong xã đều được tuyên truyền, tập huấn về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, Hội Phụ nữ xã cũng đã thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”,  nhằm can thiệp kịp thời khi phụ nữ khi bị bạo lực gia đình hay tổ phụ nữ “Vận động chồng, con không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”…Nhờ đó, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số xã Đông Tiến ngày càng hiểu và tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.

 Nhiều hình thức tuyên truyền

Là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống,  trong đó phụ nữ dân tộc chiếm tỷ lệ không ít. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh rất chú trọng quan tâm công tác tuyên truyền,  nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, những năm qua hội đã phối kết hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Trong đó, đã tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí liên quan đến Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… thu hút hàng ngàn hội viên phụ nữ tham gia. Cùng với đó, các cấp Hội phụ nữ đã lồng ghép các tiết mục sân khấu, biểu diễn, hội thi tìm hiểu pháp luật...vào công tác tuyên truyền. Đồng thời, thành lập các mô hình như “Vận động chồng, con không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Tổ phụ nữ quản lý sau cai nghiện”, “Tổ phụ nữ phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”…

 Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật trong phụ nữ, từng bước hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong làng, xã. Điều đáng mừng, nhiều phụ nữ đã biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của bản thân và gia đình, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các hiện tượng tảo hôn, bạo lực gia đình trước đây giờ đã giảm đáng kể, nhân phẩm người phụ nữ được coi trọng.

 Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số: Điểm sáng Đông Tiến