Theo đó, ngoài báo cáo kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, Sở Tư pháp có những ý kiến, kiến nghị với Phó Chủ tịch: hiện Sở có 4 phòng và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, nhưng chỉ có 28 công chức và hợp đồng, thiếu 5 người, chưa kể số công chức chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi công việc phải làm gồm xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; trợ giúp pháp lý; bồi thường nhà nước; đấu giá tài sản;...
Với khối lượng lớn công việc, nhưng nhân lực mỏng vì thiếu , nên ảnh hưởng phần nào đến chất lượng công việc cũng như chất lượng các báo cáo tham mưu cho UBND tỉnh. Hiện Sở đang tổ chức xét tuyển, nhưng phải chờ Sở Nội vụ tổ chức thi tuyển. Ngoài ra còn một số khó khăn khác như kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hạn hẹp; một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn lúng túng trong thực hiện các bước xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; chưa nắm chắc và xử lý tốt hồ sơ vụ việc;...
Phó Chủ tịch Phan Văn Đăng đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Tư pháp, đã chủ động vượt khó trong tình hình nhân lực mỏng. Ông đề nghị Sở lưu ý, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức, nhân dân. Công tác này rất quan trọng vì cán bộ, công chức, người dân ý thức pháp luật thì mọi thứ tốt đẹp, không xảy những điều đáng tiếc. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền quy định; tham gia nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh;...Tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng ngành, trong đó chú ý theo dõi đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc việc khẩn trương kiện toàn đội ngũ công chức Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh;...