Theo dõi trên

Phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

27/05/2021, 15:25

BTO - Sáng 27/5 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành về phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị. Ở đầu cầu Bình Thuận có ông Nguyễn Văn Phong- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng một số sở, ban, ngành liên quan.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, bệnhVDNC trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020.Đến ngày 25/5/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh,thành phố, với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh khiến 9.539 con chết, tiêu hủy. Nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trongthời gian tới là rất cao…

Tại tỉnh Bình Thuận hiện có trên 480.400 con gia súc, trong đó 8.650 con trâu, 170.330 con bò, 301.500 con heo. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tình hình chăn nuôi của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định. Hiện nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh VDNC trên trâu, bò, tuy nhiên trong thời gian tới, nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bản tỉnh là rất cao. Nguyên nhân, do việc vận chuyển, buôn bán trâu, bò của Bình Thuận và các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt.Đồng thời trong điều kiện thời tiết thay đổi, mùa phát triển của các loại véc-tơ truyền bệnh VDNC như ruồi, muỗi, ve…là yếu tố thuận lợi để dịch bệnh lây lan nhanh. Do đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai tốt các giải pháp phòng chống bệnh VDNC trên trâu bò.

Triệu chứng bệnh VDNC trên bò.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng chống dịch bệnh VDNC, bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm; chi trả công tiêm vắc xin, kinh phí mua thuốc diệt côn trùng… Ngoài ra, cần giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng.Hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch. Song song, tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc môi trường; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu bò và các sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò qua biên giới không rõ nguồn gốc…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò