“Chính quyền cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép (KSTP) trên địa bàn. Trường hợp vụ việc quy mô lớn, tái diễn nhiều lần, Sở TN & MT phối hợp Công an tỉnh, cấp huyện kiểm tra, xử lý triệt để. Khi ấy, việc khai thác KSTP sớm chấm dứt, lập lại trật tự; không để tình trạng kéo dài như thời gian qua”.
Quản lý khoáng sản tại gốc
Ông Nguyễn Mậu Sâm, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN & MT) thị xã La Gi cho biết: “Lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản, Phòng TN & MT được giao cơ quan thường trực của Đoàn Kiểm tra liên ngành thị xã đã phối hợp lãnh đạo Công an La Gi làm việc với 4 Thường trực Đảng ủy, chính quyền 4 xã: Tân Bình, Tân Tiến, Tân Phước, Tân Hải đưa ra các giải pháp quản lý khoáng sản trên địa bàn các xã đạt hiệu quả, nhằm đi đến chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ KSTP xảy ra địa bàn 4 xã trên. Trong đó, chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đứng đầu quản lý khoáng sản, theo Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 17/1/2019 của UBND tỉnh về lĩnh vực này và các văn bản chỉ đạo của Thị ủy, UBND thị xã”. Đoàn Kiểm tra liên ngành thị xã tiến hành kiểm tra hiện trạng những khu vực thường bị khai thác KSTP ở địa bàn 4 xã, lập biên bản hiện trạng, xác nhận chính quyền. Các biên bản được bàn giao người đứng đầu chính quyền, ban ngành mỗi địa phương như chủ tịch UBND, công an, quân sự, địa chính cấp xã tăng cường trách nhiệm cá nhân quản lý khoáng sản. Chính quyền 4 xã đã chủ động lập chốt, gắn camera ngay tại các khu vực, tuyến đường thường xảy ra khai thác, vận chuyển KSTP. Tình trạng khai thác KSTP giảm hẳn trên địa bàn thị xã La Gi từ đầu năm đến nay. Phó Giám đốc Sở TN & MT Phan Thị Xuân Thu cho rằng: “Chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các vụ việc khai thác KSTP trên địa bàn, như thị xã La Gi đang triển khai. Trường hợp vụ việc quy mô lớn, tái diễn nhiều lần, Sở TN & MT phối hợp Công an tỉnh, cấp huyện kiểm tra, xử lý triệt để. Khi ấy, việc khai thác KSTP sớm chấm dứt, lập lại trật tự này; không còn tình trạng kéo dài như thời gian qua”.
Trách nhiệm người đứng đầu
Cách đây chưa lâu, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị về quản lý khoáng sản, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đề nghị lãnh đạo UBND cấp huyện chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc; trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện nếu để tình trạng khai thác, vận chuyển KSTP trên địa bàn phức tạp. Đồng thời Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong vấn đề liên quan này. Các cấp chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia tố giác đối tượng vi phạm khai thác, vận chuyển KSTP. “Sở TN & MT tăng cường kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, yêu cầu chủ mỏ lắp camera khi đi vào hoạt động, tránh tình trạng chở cát lậu bên ngoài vào khu vực mỏ. Nếu phát hiện chủ mỏ có hành vi vi phạm khai thác, vận chuyển, tiêu thụ KSTP nhiều lần thì xử lý theo thẩm quyền, kể cả đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.
Trong khuôn khổ liên quan phòng, chống khai thác KSTP, ông Phan Văn Đăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng: “Chủ tịch UBND cấp xã cần chỉ đạo bộ phận chức năng ở xã rà soát, làm rõ chủ sử dụng đất tại khu vực thường xuyên xảy ra khai thác KSTP; không chỉ xử lý đối tượng khai thác mà còn xử lý nghiêm chủ sử dụng đất để khai thác KSTP nhiều lần thời gian dài, như hành vi hủy hoại đất, theo quy định pháp luật đất đai, khoáng sản; kể cả thu hồi đất theo quy định”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng chia sẻ thêm: “Các vụ việc khai thác KSTP lâu nay diễn ra trên một số địa bàn trong tỉnh, cấp ủy phải có trách nhiệm, phải xem xét tổng thể chung tình hình khai thác KSTP ở địa phương để chỉ đạo UBND cùng cấp, phòng, ban chuyên môn có kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, xử lý khai thác KSTP, dần dần lập lại trật tự. Kể cả các cấp ủy cũng phải tăng cường giám sát, xem trong quá trình chỉ đạo bằng văn bản, kết luận, UBND cùng cấp có thực hiện hay không. Còn nếu như tổ chức, cá nhân nào liên quan vi phạm quản lý nhà nước lĩnh vực này thì các cấp ủy chỉ đạo xử lý về mặt đảng viên. Cùng với đó, cấp ủy địa phương các xã tăng cường chỉ đạo công an chính quy đã được bố trí về địa bàn cơ sở, phối hợp kiểm tra xử lý khai thác KSTP ở địa phương, lập lại trật tự lĩnh vực phức tạp này”.
Chủ động nguồn cung
Hàng năm, Sở TN & MT đều có kế hoạch đưa các mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường như cát bồi nền, cát xây, đất sét, mỏ đá ra đấu thầu, đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu các loại cát xây đang tăng cao trong tỉnh. Tuy nhiên không ít mỏ khoáng sản vướng khâu quy hoạch, hạn chế việc triển khai đấu thầu của sở chức năng. Trả lời câu hỏi phóng viên Báo Bình Thuận đặt ra vấn đề này tại buổi họp báo do UBND tỉnh tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH & ĐT) cho biết: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 27/12/2023. Trong đó quyết định phê duyệt 343 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường (103 mỏ cát xây dựng, 65 mỏ đá, 32 mỏ sét gạch ngói, 143 mỏ vật liệu san lấp). Quyết định số 1701 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận không thể hiện danh mục cụ thể của từng mỏ khoáng sản VLXD thông thường mà sẽ thể hiện trong báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh và các phương án kèm theo”.
Hiện Sở KH & ĐT phối hợp đơn vị tư vấn, sở ngành, địa phương rà soát hoàn chỉnh các nội dung của Quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất với Quyết định số 1701 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với nội dung hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch, Sở KH & ĐT đang phối hợp Sở TN & MT, Sở Nông nghiệp & PTNT rà soát phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai theo khu chức năng, theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, vùng liên huyện tỉnh Bình Thuận. Sở KH & ĐT cùng đơn vị tư vấn xây dựng lại cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch theo quy định mới của Bộ trưởng Bộ KH & ĐT hướng dẫn yêu cầu nội dung, kỹ thuật của cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch và sơ đồ, bản đồ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Các nội dung này dự kiến hoàn thành trong quý III năm nay. Sau khi hoàn chỉnh nội dung hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu quy hoạch, Sở KH & ĐT tham mưu UBND tỉnh gửi hồ sơ quy hoạch lên Bộ KH & ĐT để cập nhật hồ sơ Quy hoạch tỉnh lên Cổng Thông tin quy hoạch quốc gia theo quy định. Qua đó, thông tin phê duyệt 343 mỏ khoáng sản VLXD thông thường được cập nhật công khai, đầy đủ, tạo điều kiện Sở TN & MT triển khai đấu thầu hàng năm, đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu các loại cát xây dựng công trình dân dụng, nhà ở người trên địa bàn tỉnh. Nguồn cung hợp pháp dồi dào sẽ đẩy lùi nạn khai thác KSTP lâu nay.