Theo dõi trên

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Đổi mới trong triển khai, bám sát đời sống thực tế

31/07/2019, 08:15

BT- Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXD ĐSVH) ở Bình Thuận đạt được một số kết quả. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đã hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó có 11 cơ quan cấp tỉnh ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai, lồng ghép và hướng dẫn thực hiện phong trào năm 2019; UBMTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch vận động Quỹ “Vì người nghèo”, chỉ tiêu vận động toàn tỉnh phấn đấu đạt 9,5 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm xuất chi Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh hơn 100.000 suất quà với tổng giá trị trên 31,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình chính sách, khó khăn…

                
Lễ hội Ka Tê. Ảnh: Đ.H

Cùng với đó là việc lồng ghép nội dung tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện cơ quan, địa phương và cơ sở. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; góp phần xây dựng phát triển đời sống vật chất, tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao hơn trong cộng đồng dân cư. Việc đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được Ban chỉ đạo cấp xã chỉ đạo và Ban vận động thôn, khu phố tổ chức thực hiện cơ bản đúng quy định. Đến nay, có 295.845/ 302.504 hộ đăng ký danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 97,8% so tổng số hộ, tăng 1.492 hộ đăng ký so kết quả cuối năm 2018.

Các phong trào xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” cũng mang lại hiệu quả rõ nét, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt, nhất là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, có 706/706 thôn, khu phố đã phát động xây dựng “Thôn - khu phố văn hóa”; 1.551/1.580 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 98,2% so tổng số cơ quan, đơn vị. Các giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được giữ gìn và phát huy, thuần phong mỹ tục được khôi phục và phát triển, các hủ tục lạc hậu trong cưới, tang, lễ hội... từng bước được xóa bỏ.

Việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên toàn tỉnh thực sự tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả này có được, ngoài việc phát huy nền nếp, thế mạnh đã tạo dựng được trong những năm qua, còn có sự đổi mới trong công tác triển khai, trong đó mọi hoạt động đều bám sát đời sống thực tế của người dân, định hướng phát triển của tỉnh, địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào không chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhiều nơi còn yếu, chưa đạt hiệu quả. Các xã đã và đang xây dựng nông thôn mới chưa chú trọng nhiều đến nội dung xây dựng và phát triển đời sống văn hóa nông thôn mới, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa - thể thao xã, thôn…

Để phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển bền vững, có chiều sâu, chất lượng và thu hút đông đảo quần chúng tham gia, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng, phong phú và vận động nhân dân tích cực thực hiện các nội dung của phong trào gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là ở các xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thường trực Ban chỉ đạo các cấp cần phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” (18/11); tăng cường theo dõi, kiểm tra việc tổ chức bình xét các danh hiệu phong trào năm 2019 đảm bảo đúng thực chất, đúng quy trình và thời gian quy định; từ đó, phát hiện những tồn tại và có giải pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, ngoài đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, thường xuyên tổ chức giao lưu, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hàng năm, cần tổ chức sơ, tổng kết khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, tập thể tiêu biểu, tạo động lực để phong trào ngày càng có sức lan tỏa trên địa bàn…

    
    Phong trào   “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động lớn mang   tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm   của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, môi trường tự   nhiên và xã hội, theo những tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống   cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

N.Q



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Đổi mới trong triển khai, bám sát đời sống thực tế