Theo dõi trên

Phỏng vấn Đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh:

16/01/2021, 09:41

Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng…

BTO- Theo thông báo của Bộ Công an, từ giữa tháng 10/2020 đến nay, hoạt động tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao gọi điện giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, bưu điện… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, đã có nhiều bị hại bị lừa đảo với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Để cán bộ và nhân dân nắm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Phóng viên: Đại tá có thể cho biết về thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như thế nào?

Đại tá Phạm Thật: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng với phương thức, thủ đoạn như:

1. Giả danh cán bộ các cơ quan tư pháp (Cơ quan điều tra - Bộ Công an; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao) gọi điện Voice over IP (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị các đầu số: +8880…; +9910…;+9900…các đuôi số thường là 113) cho nạn nhân, nói rằng họ bị kiện vì nợ tiền cước điện thoại, bưu phẩm gửi nhưng không nhận hoặc có liên quan đến vụ án rửa tiền, ma túy xuyên quốc gia… đang giải quyết. Sau đó đề nghị và yêu cầu người dân chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp để điều tra, sau đó chiếm đoạt.

2. Kết bạn qua Facebook, Zalo lừa nhận quà, bưu phẩm:

Các đối tượng tìm hiểu Facebook, zalo của các nạn nhân thường thể hiện trạng thái buồn bã trong cuộc sống, tìm hiểu, làm quen với những phụ nữ Việt Nam đơn thân nhưng có cuộc sống khá giả rồi giả danh là quân nhân Mỹ, Úc, Anh đang chiến đấu tại các quốc gia Trung Đông. Sau đó gợi ý gửi quà hoặc số tiền lớn về nhờ giữ hộ. Tiếp đó, đồng bọn chúng đóng vai nhân viên sân bay, hải quan, công ty chuyển hàng xuyên việt…yêu cầu nạn nhân gửi số tiền lớn gọi là lệ phí, tiền phạt nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng của chúng rồi chiếm đoạt.

Bằng phương thức, thủ đoạn trên, một nhóm đối tượng giả danh quân nhân nước ngoài đã kết bạn qua zalo, facebook với chị Nguyễn Thị Hải Nhi, (SN 1984), trú tại thôn La Dày, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, sau đó hứa tặng quà. Chị Nhi đã chuyển vào tài khoản của các đối tượng trên tổng cộng 7 lần, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng nhưng vẫn không nhận được bưu kiện nên đã đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trình báo.

3. Lập facebook giả danh người thân ở nước ngoài nhắn tin và làm giả lệnh chuyển tiền sau đó đề nghị nạn nhân chuyển một số tiền ít hơn số tiền trên lệnh chuyển giả mạo. Vì tin tưởng và muốn ăn phần tiền chênh lệch nên các nạn nhân đa số đều chuyển tiền theo yêu cầu, sau đó bị chiếm đoạt.

4. Tạo các trang cá nhân bán hàng online để rao bán các mặt hàng và yêu cầu người mua hàng phải chuyển khoản trước tiền đặt cọc. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, sau đó khóa trang mạng của mình, bỏ số điện thoại liên lạc để xóa dấu vết và chiếm đoạt số tiền đã chuyển để mua hàng của nạn nhân.

5. Tạo các website, link hay các ứng dụng (APP BỘ CÔNG AN…) có chứa virus/mã độc để người dân khi truy cập vào website hay tải các ứng dụng này thì virus/mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt vào các thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin cá nhân như số điện thoại, thông tin và mật khẩu các tài khoản thư điện tử, mạng xã hội, tài khoản ngân hàng…hay chiếm quyền điều khiển thiết bị. Sau đó các đối tượng sử dụng những thông tin thu được để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân hoặc thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.

Các loại tội phạm trên tuy có nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhưng cách thức để chiếm đoạt tiền đều thông qua tài khoản ngân hàng (sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu thì các đối tượng thuê người khác trực tiếp đến ngân hàng hay ra trụ ATM để rút tiền hoặc sử dụng dịch vụ Internet Banking để chuyển tiền qua nhiều tài khoản trung gian sau đó chiếm đoạt).

Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và triệt phá như thế nào, thưa đại tá?

Đại tá Phạm Thật: Khi thống nhất thông tin các vụ việc, vụ án liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm lợi dụng công nghệ cao. Lập tức, cơ quan điều tra huy động các phương tiện, thiết bị với sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ; cử những điều tra viên, cán bộ điều tra có trình độ, có kinh nghiệm khẩn trương vào cuộc điều tra và thực tế cũng đã nhanh chóng làm rõ nhiều vụ, thu hồi tài sản cho người bị hại. Đồng thời phối hợp các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, nhất là tuyên truyền các phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn lừa đảo lijw dụng công nghệ cao để người dân nhận biết, phòng tránh.

Để người dân không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, Cơ quan công an có những khuyến cáo như thế nào?

Đại tá Phạm Thật: Người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.

Đề nghị ngân hàng, các chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng tăng cường giám sát các máy ATM qua camera, phân công nhân viên thường xuyên trực 24/24 giờ đường dây điện thoại nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của nhân dân về tình hình an ninh, trật tự xung quanh máy ATM.

Khi phát hiện đối tượng sử dụng thẻ ATM giả để giao dịch nhanh chóng thông báo cho lực lượng công an phường, xã, thị trấn nơi có đặt máy ATM để phối hợp xử lý.

Khi khách hàng là người lớn tuổi có hoạt động rút tiền tiết kiệm, gửi, chuyển số tiền lớn kèm tâm lý lo lắng, bất ổn thì nhân viên ngân hàng nên tư vấn, trao đổi cho khách hàng về thủ đoạn hoạt động lừa đảo bằng công nghệ cao để khách hàng cảnh giác đồng thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để hướng dẫn, ngăn chặn.

Công an tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh tiếp tục, thường xuyên tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa tội phạm trong các tầng lớp nhân dân.

Cảm ơn đại tá về cuộc trao đổi này!

Bích Thuận (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Tân Lý 1, xã Tân Bình
BTO-Kỷ niệm 94 năm ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2024), Ban vận động thôn Tân Lý 1, xã Tân Bình, thị xã La Gi đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào tối nay, 15/11. Ông Nguyễn Hồng Pháp, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy La Gi đến chung vui cùng bà con trong thôn. Cùng dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ thị xã, chính quyền, đoàn thể xã Tân Bình.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phỏng vấn Đại tá Phạm Thật - Phó Giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh: