Theo dõi trên

Phú Lạc (Tuy Phong): Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống

21/07/2016, 08:47

Nghèo tiền chứ không “nghèo” chữ

BT- So với các xã thuần đồng bào Chăm khác trong tỉnh thì Phú Lạc là vùng đất đầy khó khăn do thời tiết quanh năm khô hạn, mảnh đất này luôn khô cằn, đầy sỏi, đá. Song, trong cái khó đó người Chăm ở thôn Lạc Trị, Vĩnh Hanh hay các hộ người Kinh ở thôn Phú Điền, xã Phú Lạc đã vươn mình đứng dậy, lấy tri thức văn hóa để xoay chuyển các phong trào khác. Tuy là vùng thuần nông, kinh tế mỗi gia đình còn nghèo, nhưng trong từng ngôi nhà đơn sơ của họ là bao tấm bằng đại học, kỹ sư, bác sĩ. Truyền thống hiếu học của mỗi gia đình, mỗi thôn người Chăm mấy chục năm qua luôn được gìn giữ và phát huy. Qua thống kê chưa đầy đủ thì sau hơn 41 năm giải phóng quê hương, Phú Lạc đã có hơn 245 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong đó có 16 bác sĩ, 12 kỹ sư và 205 người có bằng trung cấp nghề. Hiện nay số sinh viên đang học đại học và cao đẳng hơn 250 em và 150 em khác đang theo học nghề tại các trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài lớp đàn anh, đàn chị thì Phú Lạc luôn chăm lo thế hệ trẻ để ươm mầm cho tương lai.

                
Các chức sắc người Chăm trong ngày lễ.

Hiện Phú Lạc có 975 học sinh đang theo học ở 3 cấp học. Năm 2015, Phú Lạc được công nhận tiếp tục giữ chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; phổ cập tiểu học trong độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Điều đáng nói là phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được duy trì và phát triển. Đây là điểm nhấn để cuộc vận động toàn dân học tập được khích lệ, thi đua đạt hiệu quả cao. Qua phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trong học tập và thành đạt sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học... Hàng năm, xã Phú Lạc có hơn 453 hộ đạt “Gia đình hiếu học”, trong đó có 40 gia đình và 1 dòng họ được cấp xã, huyện, tỉnh biểu dương.

 Ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống

Có được kết quả đó là nhờ công tác khuyến học được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo. Hơn 800 hội viên của 13 chi hội khuyến học luôn làm nòng cốt trong vận động nguồn quỹ và thúc đẩy phong trào học tập… Khi người dân có trình độ văn hóa, mặt bằng dân trí được nâng cao thì ý thức bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống được phát huy trong mỗi người dân và trong từng gia đình, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” ngày càng đi vào chiều sâu, hàng năm được nâng dần về chất lượng. Cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm đầu tư và có những quyết sách nhằm bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc Chăm như: đầu tư kinh phí, duy tu các công trình nhóm tháp A, B (tháp Po dam); xây dựng bờ kè chống sạt lở tháp. Các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào Chăm như: đội văn nghệ của xã được phát huy; đám cưới của đồng bào Chăm Hồi giáo không còn thách cưới hoặc ràng buộc phải lấy người cùng đạo như trước đây; người Chăm tự do yêu đương và có thể kết hôn với người ngoài đạo; Tết Ramưwan của đồng bào Chăm Bà ni (thôn Vĩnh Hanh), lễ hội lên tháp Po Tằm, Tết Katê của người Chăm Bà la môn được khôi phục và phát huy trên tinh thần tiết kiệm, hoạt động đúng quy định của Nhà nước. Người Chăm Bà la môn hay Bà ni đoàn kết, gắn bó, thăm hỏi chúc nhau ngày tết mọi sự an lành, làm ăn phát đạt và không còn hiện tượng tảo hôn, ép hôn như trước; các lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Bà Qua Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Lạc cho biết: “Trước đây đồng bào Chăm Bà ni thôn Vĩnh Hanh ăn Tết Ramưwan hay đồng bào Chăm Bà la môn thôn Lạc Trị ăn Tết Katê dài ngày, nay chỉ có một ngày. Người Chăm Bà ni sau khi các thầy Chang vào chùa đọc kinh (1 tháng) thì người dân vẫn lao động bình thường. Thầy Chang vào chùa nhưng buổi sáng có thể đi thăm đồng… hoặc ma chay của người Chăm Bà la môn cũng thay đổi nhiều. Trước đây người chết để 5 - 7 ngày mới hỏa thiêu gây ô nhiễm môi trường, nay để lâu nhất khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, một số hủ tục ma chay, cưới xin không còn phù hợp vẫn tồn tại ở một số gia đình người Chăm. Việc khai thác văn hóa truyền thống người Chăm để phục vụ du lịch chưa được quan tâm đúng mức… Hiện tại, các đoàn thể ở Phú Lạc đang tích cực vận động nhân dân khắc phục những tồn tại đó trong quá trình xây dựng nông thôn mới”.

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nói chuyện chuyên đề về nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
BTO-Chiều 25/11, tại Khu di tích lịch sử Trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận phối hợp với Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ và Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Phan Thiết) tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Truyền thống quê hương, gia đình nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Lạc (Tuy Phong): Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống