Theo dõi trên

Phú Quý và những con tàu: Hơn 20 năm lênh đênh trên biển

03/03/2017, 08:54

BT- Khi chiếc tàu mang tên Bình Thuận 16 kéo một hồi chuông điện dài chuẩn bị rời cảng Phú Quý thì mặt trời cũng vừa nhô lên ở hướng đông, ánh sáng rực rỡ lấp lánh trên mặt biển và dát vàng lên vạn vật.

                
Thuyền trưởng Phan Minh Toàn có hơn 20 năm    trong nghề.

Tàu rời cảng để lại phía sau cảnh bán buôn tấp nập và những người thân đưa tiễn, tất cả nhỏ dần, mờ dần trong thứ ánh sáng nửa rực rỡ nửa vàng ảo ấy. Khung cảnh đẹp đến nao lòng. Thuyền trưởng Phan Minh Toàn, 46 tuổi nói với tôi: “Hơn 20 năm rồi, tôi cứ đi cứ về như thế, riết rồi không để ý chuyến nào là đi, chuyến nào là về, lúc nào cũng lênh đênh trên biển”. Hơn 20 năm lênh đênh trên biển. Hơn 20 năm xem tàu là nhà. Hơn 20 năm với bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn chất oằn vai một đời người thủy thủ, một thuyền trưởng kiêu bạc.

 Dù thế nào cũng không bỏ tàu

Có câu chuyện xảy ra cũng đã mấy năm trước, thời gian trôi qua nhưng trong lòng anh em thủy thủ tàu Bình Thuận 16 vẫn còn đọng mãi những tình cảm sâu sắc, đằm sâu, sự kính nể thật sự về người thuyền trưởng của mình: Đó là một buổi chiều tàu đang cập cảng Phú Quý, thủy thủ đoàn vừa cơm nước xong, đang nghỉ ngơi thì nghe tin dự báo: khả năng sóng thần sẽ ập đến trong thời gian ngắn nhất. Trên đảo, xe công an hụ còi inh ỏi, họ đang đốc thúc di dời khẩn cấp tất cả dân chúng lên núi cao. Người xe nhốn nháo, đường sá tấp nập từng đoàn gồng gánh, dắt díu đang bươn nhanh về hướng núi Cao Cát. Lệnh từ trên truyền xuống sắc lạnh: “Bỏ tàu!”.

Thuyền trưởng Toàn họp nhanh thủy thủ đoàn. Mọi người nhìn nhau. Có nhiều ý kiến “không thể bỏ tàu được” nhưng lệnh là phải chấp hành, hơn nữa, sóng thần mà ập đến thì sinh mạng của chục con người không phải là chuyện đơn giản. Mười người ở đây liên quan đến mười gia đình trong đất liền, tàu mất có thể đóng lại tàu mới nhưng người mất là mất vĩnh viễn. Bao nhiêu dằn xé, toan tính sao cho hợp lý hợp tình mà phải quyết định nhanh, sóng thần sẽ ập vào đây trong thời gian ngắn nữa có nghĩa không được chần chừ dù chỉ là một phút. Thuyền trưởng Toàn nhìn bao quanh chiếc tàu lần cuối rồi quyết định: Tất cả anh em lấy tư trang lên bờ, phải chạy thật nhanh để theo kịp đoàn người đang tiến dần lên núi cao.

“Còn anh?”. Tất cả các thủy thủ đều đồng loạt hỏi. Vừa nhìn những con sóng dữ dằn vỗ càng lúc càng mạnh vào thân tàu, thuyền trưởng Toàn nghiêm giọng nói: “Anh em cứ chấp hành, đi nhanh lên, tôi sẽ ở lại trông coi tàu”. Cuộc chia tay bịn rịn với bao nỗi niềm, bao thương mến với người “anh cả” của con tàu nhưng sóng gió đang mù trời mù biển không cho phép họ chậm chân. Chạy lên hết phần sân cảng, chín thủy thủ cùng quay người lại vẫy tay từ biệt thuyền trưởng. Anh Toàn vẫn đứng trên tàu sắc mặt nghiêm lạnh. Sóng càng lúc càng cao, đánh tràn lên cả hành lang con tàu. Gió càng lúc càng giật mạnh, chiếc tàu bắt đầu chao qua chao lại. Toàn quay vào, anh bắt tay làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ con tàu, đợi khi sóng thần ập đến.

Đợi sóng thần ngay trên chiếc tàu nhỏ như tàu Bình Thuận 16, một loại tàu không cho phép chạy khi gió giật từ cấp 7 trở lên, điều này không khác gì ngồi đợi chờ… tử thần. Ấy vậy mà bao nhiêu công việc cần kíp từ trên cabin đến hầm máy đã cuốn Toàn lao theo nó, anh không còn thời gian để lo lắng, để buồn bã. Có lúc anh mệt quá ngồi phịch xuống sàn tàu, chợt những ưu tư, những lời chia tay, xin lỗi vợ con, những yếu đuối của con tim làm cho lồng ngực anh thắt lại. Nhưng cũng chính từ lồng ngực ấy, một mệnh lệnh vang rền, đúng hơn là tiếng nói mạnh mẽ bật ra từ tình yêu vô bờ bến với con tàu: “Dù thế nào cũng không bỏ tàu!”. Thuyền trưởng Toàn lại đứng phắt dậy, anh bước vào phòng lái, anh đã sẵn sàng làm tất cả cùng sống cùng chết với con tàu.

Rất may, sau hơn 3 tiếng đồng hồ đảo tối đen vắng lặng như một đảo hoang đã có ánh sáng, đã có bóng người thấp thoáng, đã có tiếng người xôn xao trở lại. Tiếng còi báo yên đã vang lên. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chín thủy thủ của tàu Bình Thuận 16 ào về ôm chầm lấy thuyền trưởng trong tiếng cười tiếng khóc xen lẫn nghẹn ngào, những giọt nước mắt của những con người coi thường sóng gió đã rịn ướt vai áo đồng đội của mình.

 Đảo xa và những đêm không ngủ

Tàu Bình Thuận 18 và tàu Bình Thuận 16 công suất 550 mã lực là một cặp đôi song sinh được cấp cho tỉnh nhà theo Dự án biển Đông ngay sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm đảo. Lúc mới nhận tàu, năm 1999, anh Toàn chỉ là thuyền phó. Được sự dìu dắt tận tình của vị thuyền trưởng tiền bối, anh trưởng thành dần và đảm đương thay vị trí thuyền trưởng sau đó. Đã gần 20 năm trong cương vị chỉ huy tàu, anh luôn sống mẫu mực, là chỗ dựa vững vàng về tinh thần cho thủy thủ đoàn, là người biết quên mình vì những chuyến chở hàng, chở khách đều đặn nối kết giữa đất liền và biển đảo.

Tôi hỏi về đời sống, về lương phạn của anh và ngạc nhiên vô cùng khi biết lương tháng của một thuyền trưởng như anh mà chỉ 7 triệu đồng. Khi được hỏi về gia đình, mắt anh Toàn sáng lên niềm tự hào: “Vợ tôi là Nguyễn Thị Út, người phụ nữ đảm đang, chịu nhiều thiệt thòi khi có chồng là người ngày này qua tháng nọ lênh đênh trên biển. Tôi có hai con trai: Cháu đầu Phan Quang Huy đang học lớp 7, cháu Phan Quang Long học lớp 3. Hai con đều rất ngoan. Trong những thời gian ngắn ngủi ở nhà, tôi luôn tìm mọi cách bù đắp cho vợ con. Sống đời thủy thủ là vậy đó anh!”.

Hơn 20 năm, có lúc ngỡ mình như con sóng ngang, hết trườn vào cảng Phan Thiết lại quay ra cảng Phú Quý. Anh đọc thơ vui nhưng đôi mắt cứ chìm vào xa xăm:

“Người ta đi Đức đi Nga

Còn tôi, Phú Quý, đi ra đi vào

Người ta tới tận bên Lào

Còn tôi, Phú Quý, đi vào đi ra

Người ta sang mãi Cu Ba

Tôi vẫn Phú Quý, đi ra đi vào…”.

Tôi cùng cười với thuyền trưởng Toàn, cùng cười với ý thơ tự diễu lòng vòng vui vẻ ấy nhưng tôi biết có những hy sinh không nói thành lời chất chứa nơi người đàn ông mạnh mẽ này. Quả vậy, khi con tàu đã ra vùng nước sâu, tàu băng băng lướt sóng, phòng chỉ huy đã không còn không khí căng thẳng, anh kể tôi nghe về những đêm không ngủ của mình. Đã từng làm cha của ba đứa con nên tôi hiểu những vất vả, bấn loạn của vợ anh khi con bệnh nặng mà bên cạnh không có người đàn ông là như thế nào. Anh nói: Có lần, tàu chưa cập bến cảng Phú Quý thì tôi nghe vợ điện thoại báo con sốt quá cao vì dính bệnh dịch “tay chân  miệng”, Bệnh viện tỉnh không xử lý được. Một mình vợ phải tay xách nách mang cả hai con vào bệnh viện tuyến trên ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tàu cập cảng xong nhưng thuyền trưởng Toàn chẳng làm gì được cứ bần thần với bao lo lắng cháy ruột cháy gan, ăn không được ngủ cũng chẳng yên. Suốt đêm đó, anh không sao chợp mắt được một lần, trông cho trời mau sáng để đưa tàu quay về lại đất liền theo đúng kế hoạch. Ngay khi tàu vừa quay lại cảng Phan Thiết, anh giao việc cho mọi người xong liền chạy như bay ra bến xe vào thẳng bệnh viện nơi con trai đang nguy kịch. May mà cháu đã qua được phút giây thập tử nhất sinh. Vợ chồng anh ôm nhau thở phào, anh thầm biết ơn người vợ đã chịu quá nhiều cực khổ để chăm lo cho hai con trai, là tình yêu và nguồn sống của anh.

Đó chỉ là một trong không biết bao lần anh mất ngủ nơi đảo xa vì lo lắng cho vợ con. “Sống đời thủy thủ là vậy đó anh!”. Thuyền trưởng Toàn lại nói cái câu quen thuộc ấy với một nụ cười của một người đàn ông vốn quen với sóng gió.

Sau gần 6 giờ đồng hồ đi trên biển, tàu Bình Thuận 16 giảm tốc độ chuẩn bị vào cảng Phan Thiết. Tàu phải chạy chậm hơn mức bình thường vì phải đợi một con tàu khác xuất cảng mới có chỗ vào. Khi được hỏi nếu như được nói lên một nguyện vọng của mình anh sẽ nói gì? Thuyền trưởng Toàn khảng khái: “Tôi không dám nói gì cho riêng mình cả, chỉ ước sao lãnh đạo tỉnh biết được một điều, cảng Phan Thiết của mình cạn lắm, cát bồi ngay cửa hẹp tạo thành luồng lạch, tàu ra vào rất khó khăn. Tôi ước sao một ngày tàu quay về thấy cảng đã được nạo vét và các con tàu ung dung ra vào mà không phải lo mắc cạn”. Đúng là tinh thần của một thuyền trưởng, tất cả đều vì cái chung, vì quê hương, vì những con tàu, vì con đường nối kết đất liền và biển đảo thân yêu.

Ghi chép: Nguyễn hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý và những con tàu: Hơn 20 năm lênh đênh trên biển