Cuộc chiến tranh đã đi qua, có những xóm nhỏ dưới chân núi Cà Tong thật bình yên, cuộc sống của gia đình nào cũng thiếu trước hụt sau. Nhà nào cũng đông con, mỗi năm làm rẫy, làm ruộng sao cho đủ ăn giáp hạt là mừng lắm.

Nhà tôi cũng vậy, mặc dù khó khăn, nhà có tới năm anh chị em nhưng cha mẹ cũng cho chúng tôi đi học đầy đủ. Tôi là anh cả, học tới lớp 8. Buổi sáng đi học, buổi chiều phụ giúp mẹ giữ em, xay lúa, giã gạo, nấu cơm… Có bữa còn đi với tụi bạn vào núi lấy củi về để dành chụm bếp, đi ra đồng tát cá, bắt cua đem về nấu ăn.

Một buổi chiều tháng 12 năm 1982, cả xóm nhỏ bỗng giật mình bởi một tiếng nổ lớn, tiếng nổ rất gần làm ai cũng nhốn nháo cả lên. Tôi vội chạy ra đường hướng về nơi vừa phát ra tiếng nổ. Phía trước, phía sau, cả xóm chạy đến nhà ông Thanh. Bà Phương vợ ông Thanh đầu tóc rũ rượi cùng bốn đứa con đang khóc la inh ỏi. Qua tiếng khóc kể của bà Phương và mấy đứa nhỏ, tôi cũng hình dung ra được câu chuyện. Sáng nay ông Thanh đi vào rừng sau đồi Lồ ồ chặt tre về làm chuồng gà thì nhặt được một đầu đạn còn mới đem về. Chiều nay ông ra phía sau chuồng heo cưa đầu đạn, dự định lấy thuốc bồi để đi đánh cá. Không may trong quá trình cưa thì đạn nổ, ông chết ngay tại chỗ, để lại người vợ và bốn đứa con. Đứa lớn nhất là bé Thu chỉ mới học lớp sáu.

Tại đám tang ông Thanh, có người thương tiếc cho số phận của ông, cũng có người trách ông sao quá liều lĩnh, ở cái xã này cũng đã có vài người vì cưa đầu đạn bị nổ chết rồi mà không sợ. Câu chuyện xoay quanh rồi ai cũng tỏ ra lo lắng cho bà Phương và bốn đứa nhỏ, không biết những ngày tới sẽ sống ra sao.

Thời gian trôi qua, cuộc sống xóm nhỏ trở lại bình thường, hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau, mọi người quan tâm đến gia đình bà Phương nhiều hơn, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Thấu hiểu được nỗi khó khăn của gia đình bà Phương, mỗi lần đi kiếm củi, hái rau heo tôi thường dẫn bé Thu và cu Hà em kế bé Thu theo để cùng phụ giúp, sau buổi phụ tôi chia phần cho các em mang về cho mẹ.

Trong một lần đi bắt cua, cu Hà thò tay vào hang rồi rút tay ra nói:

- Chị Hai ơi! Có con cá gì mềm mềm, chị bắt giùm em đi.

Bé Thu thò tay vào hang móc ra một con rắn nước to gần bằng cổ tay, con bé la làng rồi vừa khóc vừa chạy thẳng về nhà. Tôi nhìn theo cười ngặt nghẽo. Sau lần bắt nhầm rắn đó, bé Thu không bao giờ đi bắt cua nữa.

Sau mùa gặt, nước ở chân ruộng còn xăm xắp gốc rạ, bé Thu qua năn nỉ tôi dẫn đi tát cá. Cá mùa này con nào cũng béo múp. Mỗi lần đi tát cá về được rất nhiều, có cả tôm, cua và rùa. Con nào ngon thì ăn, con nào không ngon thì nấu cho heo. Có một lần tát nước gần cạn, cá trê vàng, cá lóc bằng cổ tay đã nổi lên trườn theo dòng chảy, nhìn thấy rất ham nhưng chưa xuống bắt vì sợ cá lủi trốn trong dấu chân tìm không ra. Chỉ còn vài phút nữa thôi thì thùng cá sẽ đầy, bỗng bờ bị vỡ, nước tràn vô ào ạt, bao nhiêu công bỏ ra cả buổi chiều đi tong. Mấy đứa mặt buồn tiu nghỉu lặng lẽ đi về.

Nhà bà Phương vẫn nghèo, Thu ý thức được vai trò chị cả của mình, làm tất cả những gì có thể để kiếm ra được tiền nuôi sống gia đình. Em xuống Chi khu của chế độ cũ đào bới tìm phế liệu, mặc dù biết đó là công việc nguy hiểm nhưng vẫn làm. Có một lần mấy đứa trong xóm kéo ra xem bé Thu đào phế liệu, một đứa bạn trạc cùng tuổi nói:

- Đôi dép của tao bằng nhựa nè, rách hai bên rồi mày có lấy không?

- Cho thì lấy – Bé Thu trả lời gọn lỏn.

Thế là đứa bạn tháo đôi dép ra quăng cho bé Thu, rồi đi chân không về. Đôi dép đó còn ngon hơn đôi dép của Thu đang mang nhiều lần. Một suy nghĩ thoáng qua, không biết đứa bạn thương cảm hoàn cảnh của Thu, muốn cho đôi dép để mang hay là nhà nó khá giả nó xài sang như vậy, thôi thì kệ nó đi, sao cũng được.

Trong xóm nhỏ cứ lâu lâu có người ăn xin mang túi đi xin gạo, mỗi nhà cho một ít, có nhà cho một nắm, có nhà cho nửa lon gạo. Tôi để ý nhiều lần, hễ người ăn xin nào đến nhà là bé Thu lấy gạo ra cho. Tôi cảm thấy lo lo cho bé nên nói:

- Nhà mày nghèo, đừng cho người ta, để dành gạo mà ăn.

- Nhà em còn nhiều mà anh Hải – Bé Thu vô tư trả lời tôi.

Có một người phụ nữ đi ăn xin, dẫn theo một đứa nhỏ tầm 10 tuổi, đứa nhỏ ốm nhom, chân không mang dép đi vào xóm, nhìn hoàn cảnh hai mẹ con thật tội nghiệp. Một số đứa trong xóm chạy về nhà lấy gạo ra cho, còn bé Thu tháo ngay đôi dép của mình đang mang đem cho đứa nhỏ, đôi dép mà nó nhặt được của đứa bạn hôm đi đào phế liệu. Thấy vậy tôi ngăn cản:

- Mày để dép mà mang, mày cho rồi lấy gì mang đi học.

- Em còn đôi dép cũ ở nhà, em mang đôi dép đó cũng được – Bé Thu trả lời.

- Vậy thì mày chạy về lấy đôi dép cũ ra cho nó, đôi này còn ngon hơn để mang đi học – Tôi nói gần như ra lệnh.

- Thôi anh, bé này nhìn tội lắm, cho đôi này để mang được lâu hơn – Bé trả lời một cách thánh thiện.

Tôi càm ràm:

- Mày cố gắng làm việc thiện đi, sau này có phước báo.

Thấm thoát rồi tôi cũng lên lớp 10, phải đi học tận Võ Xu, xa nhà hơn 20 cây số. Mỗi tuần chỉ về nhà vào chiều thứ bảy, chiều chủ nhật lại phải lên trường. Mùa mưa, con đường lầy lội, khi nào hết gạo mới về, có khi cả tháng mới về thăm nhà một lần. Đi học xa, tiếp xúc được với nhiều người trong xã hội, nghe thầy cô giảng bài, tôi thấu hiểu được muốn bớt khổ thì phải đi học. Phải cố gắng, cố gắng hơn nữa.

Còn bé Thu học hết lớp 9 là một cố gắng vượt bậc, ở huyện chưa có trường cấp 3, muốn đi học tiếp phải lên Đức Linh. Thu quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ nuôi em. Mới 16 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, mỗi khi xuống ruộng đi cấy, nhổ cỏ lúa em lọt thỏm giữa những người xung quanh.

Đi học xa, mỗi lần về thăm nhà, thỉnh thoảng tôi cũng qua thăm gia đình bà Phương, thăm mấy đứa nhỏ. Nhìn ngôi nhà nghèo, mấy đứa nhỏ lam lũ mà xót xa. Tôi cũng muốn giúp lắm, nhưng không biết giúp bằng cách nào. May mắn sao, trong một lần nghe được Phòng Giáo dục huyện đang tuyển học sinh đi học trung cấp sư phạm. Như nhặt được vàng, tôi chạy qua nhà bà Phương động viên gia đình cho bé Thu đi học sư phạm. Lúc đầu bà Phương còn lưỡng lự vì không có tiền cho con đi học, bé Thu thì sợ đi xa, mãi tận Phan Rang, nghe đâu phải đi qua hai lần xe đò mới đến, vì từ nhỏ đến giờ em chưa một lần ra khỏi huyện. Tôi thuyết phục mãi bà Phương với bé Thu đồng ý làm thủ tục đi học trung cấp sư phạm.

Học hết lớp 12, tôi cũng thi đậu vào Trường Trung cấp Y tế 3. Tôi vào Sài Gòn đi học, một tuần sau bé Thu lên đường ra Phan Rang. Biết gia đình bà Phương khó lo cho bé Thu ăn học xa nên thỉnh thoảng tôi viết thư động viên bé Thu và kèm theo vài ngàn đồng kẹp trong thư, số tiền mà tôi tranh thủ đi làm thêm kiếm được. Bé Thu viết thư báo kết quả học tập, kể chuyện vui buồn cuộc sống, nghe cũng vui lây.

Đời sống sinh viên thật mới lạ, tôi quen biết với nhiều người ở các vùng miền khác nhau, đi đến nhiều nơi sinh sống của gia đình bạn học cùng lớp. Thế giới thật rộng lớn và thay đổi từng ngày. Là người năng động, ham học hỏi, tôi càng học càng thấy mình nhỏ nhoi. Sau ba năm miệt mài kinh sử, cũng cầm được cái bằng Kỹ thuật viên xét nghiệm. Ngày cầm cái bằng tốt nghiệp, cánh cổng trường đời thật rộng mở, một số bệnh viện ở thành phố sẵn sàng đón nhận vào làm, bệnh viện tỉnh cũng cần kỹ thuật viên xét nghiệm. Sau vài bâng khuâng, tôi quyết định quay về Tánh Linh, nơi có gia đình, bạn bè, hàng xóm, có dòng sông La Ngà dưới chân Núi Ông…

Bé Thu cũng lớn hẳn, ra dáng một thiếu nữ, em cũng về đi dạy một trường cấp I. Cu Hà đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Trường cấp III được thành lập ở huyện, con em Tánh Linh không còn phải lên Đức Linh học nữa, số học sinh tiếp tục học lên cấp III ngày càng nhiều. Bà Phương thường nói với tôi:

- Nhờ có con mà bé Thu mới được như ngày hôm nay. Không có con bây giờ bé Thu còn đi mót lúa, nhặt phế liệu.

Nghe bà Thu nói, tôi cũng ngượng ngùng, chuyện có gì đâu, giúp được ai cũng thấy hạnh phúc cả mà, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Hình như bà Phương có ý muốn gán ghép tôi với bé Thu nên mỗi lần qua nhà chơi bà đều vồn vã kêu bé Thu ra nói chuyện với tôi. Thỉnh thoảng bà nói nửa đùa nửa thật cho nhiều người nghe, trong đó có những thanh niên có ý định đeo đuổi con bà:

- Thằng Hải mang gạo đến nuôi từ khi bé Thu còn học lớp 8.

Nghe những lời này tôi mỉm cười, không quan tâm lắm. Nhưng bé Thu là khác, cứ nghĩ mẹ với tôi có ý đồ gì đó nên tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Thu bắt đầu tránh mặt tôi, mối quan hệ anh em, bạn bè, hàng xóm đang trong sáng bỗng dưng tan vỡ bởi lời nói có chủ ý của bà Phương.

Thấy bé Thu càng né tránh, tôi lại cố tình gặp mặt, dùng lời nói để trêu tức bé Thu như: “Em hơn 20 tuổi rồi, lấy chồng đi để mẹ lo”; “Dạo này có ai tán em chưa?”… Nghe những lời trêu tức, Thu chỉ háy, huýt rồi đi.

Mối quan hệ giữa tôi và gia đình bà Phương vẫn bình thường, mấy đứa em Thu rất thích và vui mừng khi tôi qua chơi. Thỉnh thoảng tôi dẫn mấy đứa nhỏ ra đồng câu cá, bắt cua, nhóm lửa nướng hạt điều, nướng bắp…

Thấp thoáng có vài thanh niên tới nhà tìm Thu, chỉ nhìn qua là biết có một thanh niên trồng cây si. Tôi gọi cu Tâm em kế Hà nói nhỏ vài câu rồi đưa bó hoa hồng cắt ở vườn nhà cho cu Tâm mang về. Tâm cắm hoa vào bình rồi để lên bàn nơi Thu đang tiếp khách. Thấy vậy Thu hỏi:

- Hoa ở đâu vậy Tâm?

- Hoa anh Hải gửi tặng chị đó – Tâm thản nhiên trả lời.

Trưa hôm sau đi làm về tôi thấy bó hoa được treo ngược lên ngọn cây Điệp trước nhà, bông hoa héo queo dưới ánh nắng mặt trời.

Bà Phương bị bệnh không ngồi được, cu Tâm chạy qua nhờ tôi đưa đi bệnh viện. Lần này thì không tránh mặt được nữa, Thu ngồi sau ôm bà Phương cho tôi chở đi. Bác sĩ chẩn đoán bà bị rối loạn tiền đình, phải ở lại vài hôm để điều trị. Buổi tối tôi tới thăm, Thu chăm sóc cho mẹ, bà Phương đã ngủ, mùi bệnh viện, mùi bệnh nhân làm cho căn phòng nặng nề hơn. Tôi cùng Thu ra ghế đá ngoài khuôn viên bệnh viện ngồi cho dễ chịu. Trăng khuyết tháng 10 thoắt ẩn, thoắt hiện giữa những đám mây, tôi ngồi im lặng không biết nói gì, những con đom đóm chợt sáng rồi tắt trong không gian yên tĩnh làm nhớ đến ngày xưa, tôi nói:

- Hồi nhỏ anh với em giành nhau mấy con đom đóm, bây giờ anh nhường hết cho em đó.

- Em lớn rồi không còn cần đom đóm nữa - Một lát sau Thu thỏ thẻ.

Biết là Thu đã chịu nói chuyện với mình, tôi mạnh dạn hơn:

- Tại sao lâu nay em cứ tránh mặt anh? Anh đã làm gì nên tội với em?

Thu bật khóc, rồi nói:

- Khi còn học ở Phan Rang, em bị tổn thương ống dẫn trứng, bác sĩ nói sau này khó có con. Em không muốn anh có một người vợ vô sinh, như vậy thì thiệt thòi cho anh quá. Em tránh mặt anh, chỉ mong anh có được một người vợ hoàn hảo.

Nghe xong tôi vỡ òa, bao ẩn khuất lâu nay đã được giải tỏa. Em yêu tôi từ bao giờ cũng không biết nữa. Tôi là phước báo của đời em. Vì yêu tôi mà em thay đổi thái độ. Khoa học bây giờ đã tiến bộ, tổn thương ống dẫn trứng đâu còn khó xử lý với nền y học hiện nay. Vì một chuyện nhỏ mà không nói ra, xém chút nữa tôi đã đi theo người con gái khác.

Câu chuyện tình yêu của hai người bây giờ mới bắt đầu.

TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ THANH HƯNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mãi mãi bên anh…
Chiều. Chiều rồi. Chẳng có hoàng hôn rực rỡ. Chỉ có bóng đêm âm thầm len lỏi khắp không gian. Thương vẫn cố nán lại chưa muốn về. Nghĩa trang chẳng còn ai ngoài chị và người quản trang già. Ông đang nhổ mấy bụi cỏ cho đám rau cải, thi thoảng lại liếc chừng như thể sợ chị bỗng dưng tan biến vào hư vô mất tăm vậy. Mãi chẳng thấy Thương có ý định về, ông ngừng tay, lại gần hối:
Đọc tiếp
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phước báo