Theo dõi trên

Quản lý tàu cá hoạt động ngoài tỉnh: Còn lắm nỗi lo!

25/01/2024, 09:45

Mới đây, thông tin 1 tàu vỏ thép ở xã Chí Công – huyện Tuy Phong bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra, bắt giữ do vận chuyển dầu DO trái phép. Vấn đề là chiếc tàu này đăng ký lại tại Bình Thuận và được cấp giấy phép hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, nhưng chủ tàu cho thuê lại và thường xuyên hoạt động tại vùng biển phía Nam, không neo đậu, ra vào các cảng cá thuộc tỉnh quản lý.

Hoạt động sai giấy phép đăng ký

Theo Sở Nông ghiệp và PTNT, ngày 29/11/2022, Sở đã ban hành quyết định chấp thuận cho ông Trần Ngọc Chiến, thôn Hiệp Đức 2, xã Chí Công, huyện Tuy Phong mua 1 tàu cá tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 30/12/2022, ông Trần Ngọc Chiến nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá có số đăng ký BV-95968-TS do Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp ngày 28/11/2017. Căn cứ các quy định liên quan, Chi cục Thủy sản đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá vào ngày 3/1/2023 với số đăng ký BTh-95055-TS và sau đó cấp giấy phép khai thác thủy sản vào ngày 6/7/2023, hiệu lực giấy phép đến ngày 30/4/2024 với công dụng tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi hải sản và tàu cá này đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, sau khi tàu BTh-95055-TS hoàn thành thủ tục đăng ký lại tàu cá tại tỉnh Bình Thuận, tàu này không hoạt động tại vùng biển trong tỉnh, mà thường xuyên hoạt động, neo đậu cập bến tại các tỉnh phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau).

ca-ve-cang-phan-thiet-anh-n.-lan-2-.jpg
Hải sản về cảng Phan Thiết (ảnh: N. Lân)

Vào tháng 5/2023, chủ tàu Trần Ngọc Chiến đã cho ông Mai Tuấn Nhỏ (1990) trú tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau thuê lại với mục đích hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, đến ngày 17/8/2023, 2 bên mới hoàn chỉnh hợp đồng cho thuê tàu, thời hạn cho thuê là 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Ngày 15/7/2023, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã kiểm tra, bắt giữ tàu cá này khi đang vận chuyển hơn 250.000 lít dầu DO trên vùng biển Tây Nam. Đến ngày 11/8/2023, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng Phạm Văn Đồng (trú xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về hành vi “Mua bán hàng hóa (dầu DO) không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa” cùng 3 đối tượng khác có liên quan, tổng số tiền xử phạt là 53 triệu đồng, tịch thu 274.108 lít dầu DO bán đấu giá sung vào công quỹ nhà nước.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-o-la-gi-anh-n.-lan-2-.jpg
Đội tàu đánh bắt trong tỉnh (ảnh: N. Lân)

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tàu cá này được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, cấp giấy phép hoạt động nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, nhưng lại hoạt động mua bán hàng hóa (dầu DO) trên biển là không đúng quy định. Thêm vào đó, chủ tàu đã cho người ngoài tỉnh thuê tàu và thường xuyên hoạt động tại vùng biển phía Nam, không neo đậu, ra vào các cảng cá thuộc tỉnh quản lý, nên việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trong tỉnh gặp khó khăn, khó phát hiện, nên nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật trên biển là rất cao, kể cả khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài.

da-so-tau-ca-o-la-gi-duoc-lap-dat-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-anh-nl-2-.jpg
Rất khó kiểm soát tàu cá hoạt động ngoài tỉnh. Ảnh: N. Lân

Quản lý chặt chẽ hơn nhóm tàu hoạt động ngoài tỉnh

Từ vụ việc trên cho thấy, công tác phối hợp giữa Bình Thuận và các tỉnh có biển ở phía Nam còn lỗ hổng. Trước đó, Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Bình Thuận đã đến làm việc với 5 tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang. Tại những tỉnh này, đoàn đã gặp gỡ trực tiếp các chủ tàu, ngư dân trong tỉnh đang làm việc nơi đây để tuyên truyền, vận động tuân thủ pháp luật.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, công tác phối hợp vẫn còn khó khăn vì chỉ có tàu cá Bình Thuận vào cập cảng hoặc qua các Trạm Kiểm soát Biên phòng thì các cơ quan chức năng sở tại mới biết, kiểm tra, giám sát. Đối với tàu cá không cập cảng (bán sản phẩm và nhận dịch vụ qua tàu hậu cần) hoặc trốn tránh các Trạm Kiểm soát Biên phòng (nhiều cửa sông, cửa lạch không có Trạm Biên phòng), thì các cơ quan chức năng không thể nắm bắt và phối hợp kiểm tra, giám sát được. Đây là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ, cần quan tâm nhất trong quản lý tàu cá Bình Thuận hoạt động tại các tỉnh bạn. Mặc dù thời gian qua, Bình Thuận và các tỉnh bạn đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân, nhưng vụ việc trên xảy ra cho thấy, nhiều tàu cá vẫn cố tình vi phạm, vẫn có kẽ hở khi tàu không cập bến, “né” sự quản lý của cơ quan chức năng.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-o-phu-quy-anh-n.-lan-9-.jpg
Tăng cường tuyên truyền những chủ tàu, ngư dân đang hoạt động ngoài tỉnh.

Hiện nay, hồ sơ pháp lý tàu cá này vẫn là tàu cá thuộc tỉnh Bình Thuận quản lý, vì vậy, nếu tàu vi phạm pháp luật, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài thì tỉnh Bình Thuận phải chịu trách nhiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giao Sở Nông nghiệp – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh căn cứ quy chế phối hợp quản lý tàu cá, phòng chống khai thác IUU giữa UBND tỉnh Bình Thuận với UBND các tỉnh khẩn trương có thông báo gửi cơ quan chức năng các tỉnh đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá này trong quá trình hoạt động, neo đậu tại các tỉnh. Bên cạnh đó, Sở tổ chức kiểm tra hiện trạng tàu cá này (kết cấu, bố trí, trang thiết bị) tại nơi neo đậu. Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện tàu không phù hợp công năng, công dụng của tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, khẩn trương thực hiện thu hồi giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Chi cục Thủy sản trực tiếp làm việc và yêu cầu ông Trần Ngọc Chiến chấp hành nghiêm trách nhiệm quản lý tàu cá của chủ tàu, ký cam kết không vi phạm pháp luật trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý lĩnh vực thủy sản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Phong và Đại tá Nguyễn Minh Khánh – Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 vừa ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý tàu cá hoạt động ngoài tỉnh: Còn lắm nỗi lo!