Hội nghị do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu bộ, ngành và các tỉnh, thành ủy liên quan trong toàn quốc.
Tại điểm cầu Bình Thuận, hội nghị có sự tham gia của đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh, các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tập thể Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND tỉnh, các Tỉnh ủy viên cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan…
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về quy hoạch và phát triển đô thị. Vì vậy, để Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối về đô thị hóa và phát triển đô thị nêu tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương năm 2020, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa nội dung này vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2021.
Mục đích của hội nghị là yêu cầu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đến các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị.
Nghị quyết 06 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị.
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Đặc biệt, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế…
Việc ban hành Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết trong quá trình phát triển đô thị ở nước ta, là kim chỉ nam để thể chế hóa các quy định pháp luật nhằm tiếp tục phát triển đô thị Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương phát biểu tham luận. Qua đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp, cần có chính sách thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia và đồng bộ về mạng lưới…