Dự luật được quốc hội Thụy Điển thông qua ngày 22/3 với 296 phiếu thuận, 37 phiếu chống.
Tuy nhiên đối với một quốc gia có truyền thống trung lập, thì đây mới chỉ là một trong những rào cản phải vượt qua để có thể trở thành thành viên của liên minh quân sự.
Quốc hội Thụy Điển đã bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập NATO của nước này. Ảnh: AP
Được thông qua với 269 phiếu thuận và 37 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu cung cấp khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc gia nhập NATO của Thụy Điển. Tuy nhiên 43 trên tổng số 349 nghị sĩ Quốc hội đã không tham dự phiên họp. Theo Ngoại trưởng Tobias Billstrom, tư cách thành viên NATO là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Thụy Điển và đóng góp vào an ninh của toàn bộ khu vực châu Âu- Đại Tây Dương.
Cùng với Phần Lan, tháng 5/2022, Thụy Ðiển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập. Tuy nhiên tiến trình tưởng chừng dễ dàng với một trong những đối tác mạnh mẽ của NATO này lại gặp khó do những bất đồng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ sớm bỏ phiếu thông qua hồ sơ ứng cử của Phần Lan, song lại chưa sẵn sàng với Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom hôm qua đã lấy làm tiếc về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, song bày tỏ tin tưởng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên trước Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới: “Chúng tôi và các nước đối tác đang nỗ lực để Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Vấn đề là khi nào Thụy Điển trở thành thành viên chứ không phải là nếu. Về mặt an ninh, vị thế của chúng tôi hiện tốt hơn so với cách đây 1 năm. Sự hội nhập quân sự của chúng tôi vào NATO, hợp tác quân sự với NATO, các nước Bắc Âu, Mỹ và Anh vẫn tiếp tục”.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển còn vấp phải rào cản từ Hungary. Vốn là những đối tác không mấy dễ chịu trong Liên minh châu Âu, Hungary tuần này cũng thông báo sẽ bỏ phiếu về việc phê chuẩn hồ sơ của Phần Lan vào ngày 27/3, nhưng vấn đề Thụy Điển sẽ được quyết định sau.
Trong nỗ lực thúc đẩy việc mở rộng khối và hòa giải các nước, Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg hồi tháng 3 đã đứng ra làm trung gian cho cuộc họp giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan.
Tại đây, người đứng đầu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương một lần nữa nhấn mạnh: “Sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển và củng cố an ninh của chính 2 nước và của NATO. Tôi hy vọng rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu phê chuẩn càng sớm càng tốt. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6/2022, tất cả các đồng minh đã đưa ra quyết định lịch sử là mời Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh của chúng ta và chứng kiến quá trình phê chuẩn nhanh nhất trong lịch sử hiện đại của NATO. Vào thời điểm quan trọng đối với an ninh, điều này sẽ làm cho liên minh của chúng ta mạnh hơn và an toàn hơn”.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là 2 quốc gia thành viên cuối cùng của NATO chưa phê chuẩn hồ sơ ứng cử của Thụy Điển và Phần Lan. Theo quy định, kết nạp thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả 30 nước thành viên NATO. Sự trì hoãn của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã đặt Mỹ và NATO vào thế khó vào thời điểm liên minh quân sự này đang tìm cách duy trì sự đoàn kết, cũng như ủng hộ đối với Ukraine trước thách thức về giá năng lượng tăng cao và các sức ép chính trị trong nước.