Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 9/2022 toàn tỉnh có thêm 121 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 55 đơn vị trực thuộc), con số này tăng 3,7 lần so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung từ đầu năm đến nay, Bình Thuận có gần 1.160 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 59,23% so cùng kỳ với vốn đăng ký hơn 6.900 tỷ đồng, ngoài ra còn có 208 doanh nghiệp hoạt động trở lại…
Qua khảo sát lĩnh vực ngành chế biến, chế tạo trong quý III vừa qua, có gần 50% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn quý trước đó và có 24,24% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cũng có gần 50% nhận định tình hình tốt lên và 26,32% cảm nhận chiều hướng giữ nguyên, còn lại 24,56% đánh giá chiều hướng giảm (tức khó khăn hơn). Trong khi thành phần có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy 37,5% doanh nghiệp cảm nhận chiều hướng tốt lên, 12,5% đánh giá tình hình giữ nguyên và 50% cho biết chiều hướng giảm…
Bước vào quý cuối năm 2022 với nhiều tín hiệu khởi sắc, khảo sát ghi nhận 84,85% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất - kinh doanh ổn định và tốt hơn (gồm 54,55% đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn, 30,3% cho rằng tình hình tiếp tục ổn định), chỉ có 15,15% dự báo khó khăn hơn.
Sản xuất - kinh doanh được duy trì ổn định trong 3 quý đầu năm nay đã góp phần đưa sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của địa phương tăng khá so cùng kỳ. Có thể kể đến: Hạt điều nhân (tăng hơn 61%), thủy sản đông lạnh (tăng 47,52%), thủy sản khô (tăng 33,35%), quần áo may sẵn (tăng xấp xỉ 34%), thức ăn gia súc (tăng gần 12%), sơ chế mủ cao su (tăng 10,94%), giày dép các loại (tăng 8,45%)…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong vừa yêu cầu các sở ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực được phân công phải tăng cường tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ hàng tháng, qua đó lắng nghe những khó khăn, vướng mắc nhằm kịp thời xử lý, giải quyết vấn đề liên quan.
Đồng thời phải cầu thị và chủ động lắng nghe ý kiến góp ý, trao đổi về môi trường đầu tư, các cơ chế chính sách cần tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đối với những nội dung hoặc kiến nghị vượt thẩm quyền thì các sở ngành, địa phương kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật…