Theo đó, đối tượng áp dụng là trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn có giấy xác nhận của địa phương. Trẻ em là con của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trẻ em là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Trẻ em đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng hoặc đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội được hưởng chế độ hỗ trợ đột xuất theo Nghị quyết này nếu thuộc một trong các trường hợp là nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị bạo lực, bị ngược đãi, bị tai nạn thương tích, nạn nhân của tội phạm mua bán người, tội phạm bắt cóc, bị mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc các bệnh cần chữa trị dài ngày tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, khuyết tật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Một trẻ em có thể được hỗ trợ nhiều chế độ khác nhau của nghị quyết này, mỗi chế độ chỉ được hỗ trợ 1 lần trên một vụ việc. Kinh phí hỗ trợ được chi cho cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em.
Cụ thể, đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục; trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, bị ngược đãi, bị tai nạn thương tích; trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua bán người, tội phạm bắt cóc được quy định hỗ trợ dựa trên 3 mức. Nếu có giấy xác nhận của công an cấp xã thì được chi hỗ trợ 4 triệu đồng/trường hợp; bị tổn thương phải điều trị tại cơ sở y tế tuyến huyện trở lên được hỗ trợ 6 triệu đồng/trường hợp; dẫn đến tử vong được hỗ trợ 8 triệu đồng/trường hợp. Riêng trường hợp trẻ em bị mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc các bệnh cần chữa trị dài ngày thì được hỗ trợ 13 triệu đồng/trường hợp. Còn trẻ em khuyết tật được hỗ trợ chi phí khám bệnh 3 triệu đồng/trường hợp, hỗ trợ chi phí phẫu thuật khuyết tật, phục hồi chức năng khác 10 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ tiền ăn trong thời gian phẫu thuật điều trị tại bệnh viện mức 50.000 đồng/em/ngày, nhưng không quá 15 ngày. Ngoài ra còn được hỗ trợ tiền đi lại.
Việc thông qua nghị quyết này nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương, nhất là các quy định của Luật Trẻ em năm 2016 và pháp luật có liên quan về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc, thực hiện quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em.