Theo dõi trên

Quy định số 148-QĐ/TƯ: Kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên

16/06/2024, 10:35

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành Quy định số 148-QĐ/TW (gọi tắt Quy định 148) về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định này sẽ là một trong những giải pháp chủ động của Đảng để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực mới nảy sinh của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong quá trình phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Theo đó, Quy định có 4 Chương và 12 Điều; trong đó quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc; căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm tạm đình chỉ công tác; thời hạn, thủ tục, hồ sơ tạm đình chỉ công tác và tổ chức thực hiện.

Quy định số 148 áp dụng đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (gọi tắt là người đứng đầu cơ quan); cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập (gọi chung là cán bộ).

Việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Việc tạm đình chỉ đối với các chức danh cấp ủy viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các chức danh tư pháp, ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam và ủy viên ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ của tổ chức.

Nội dung đáng chú ý của Quy định, đó là nêu rõ 5 căn cứ để người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết, gồm: Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân; cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao; cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ; cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý; cán bộ bị kỷ luật Đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, có 2 căn cứ để tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, gồm: cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra; trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Quy định số 148 cũng quy định rõ, chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của cơ quan (bộ phận) tổ chức cán bộ (nhân sự), người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ. Thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc. Nếu phải gia hạn, thời gian gia hạn tạm đình chỉ công tác tối đa không quá 15 ngày làm việc.

Cán bộ bị tạm đình chỉ công tác có quyền đề nghị người đứng đầu xem xét lại quyết định tạm đình chỉ công tác nếu có căn cứ xác định việc tạm đình chỉ công tác không đúng quy định. Cán bộ được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi được cơ quan chức năng kết luận không vi phạm, không bị xử lý vi phạm. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày có đủ cơ sở để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác thì người đứng đầu ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2024): Lời hiệu triệu toàn dân
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc với mục đích động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. 76 năm đã trôi qua, dù bối cảnh đất nước đã đổi thay rất nhiều nhưng sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước do Người khởi xướng vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định số 148-QĐ/TƯ: Kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên