Tham dự còn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuận Bích, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể.
Theo báo cáo từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Từ năm 2021 đến tháng 10 năm 2024, Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động đạt và vượt chỉ tiêu giao với số tiền vận động 38,19 tỷ đồng/24 tỷ đồng, đạt 159,13%. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh vận động được 11,24 tỷ đồng/6 tỷ đồng, đạt 187,33%, Quỹ cấp huyện được 26,95 tỷ đồng/18 tỷ đồng, đạt 149,72%.
Từ nguồn kinh phí vận động được, Ban quản lý Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp đã phân khai hỗ trợ, trong đó có phân khai hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định của Chính phủ. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mới và sửa chữa 222 căn nhà cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 7,764 tỷ đồng; gồm xây mới 102 căn nhà, kinh phí 5,105 tỷ đồng và sửa chữa 120 căn nhà, kinh phí 2,659 tỷ đồng.
Qua tổng hợp báo cáo của 10 địa phương, số nhà ở người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ có nhu cầu xây mới, sửa chữa trong năm 2024 và 2025 là 367 căn. Cùng với đó, các địa phương đang rà soát, đánh giá số hộ nghèo khó khăn về nhà ở có đủ điều kiện để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Hiện mức hỗ trợ xây mới cho một căn nhà ít nhất 50 triệu đồng, số tiền hỗ trợ sửa chữa một căn nhà ít nhất 25 triệu đồng.
Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo rõ hơn về nhu cầu xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn trong 2 năm và đang rà soát, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ, vận động để thực hiện theo tiến độ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng cũng cho rằng: Đây là chương trình lớn, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chứ không riêng một ngành, lĩnh vực, địa phương nào. Bên cạnh đó, phải rà soát, thống kê chính xác, cụ thể, xây dựng cơ chế phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt.
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc với sự nỗ lực quyết tâm cao nhất để thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa và xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó việc xây dựng nhà tình nghĩa là nghĩa cử thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các gia đình có người thân đã hy sinh xương máu đóng góp cho công cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, giải phóng quê hương, đất nước. Vì vậy phấn đấu đến 2025 phải xây dựng xong nhà tình nghĩa cho các trường hợp cần hỗ trợ. Trên cơ sở đó các địa phương rà soát số liệu, xây dựng nhà mẫu phù hợp, tính toán điều kiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đối với việc thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ rà soát, thống kê, đảm bảo các tiêu chí đề ra. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ, tổng thể phải nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm thực hiện phong trào theo đúng kế hoạch đề ra.