Theo dõi trên

Quyết tâm vì môi trường xanh

11/07/2019, 08:49

BT- Chưa bao giờ vấn đề bảo vệ môi trường lại “nóng” và đòi hỏi hành động cấp thiết như lúc này. Có thể nói, bảo vệ môi trường cũng đang trở thành vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia nào đứng ngoài cuộc. Đất nước hình chữ S nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng có vị trí giáp biển thì càng quyết tâm vì môi trường xanh…

                
Thùng rác thân thiện môi trường với chức    năng phân loại tại nguồn.

Giữ “mầm sống” đại dương

Cách đây 10 năm, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Tuy Phong) thuộc Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Dù vậy, nơi đây cũng từng đối diện nguy cơ ô nhiễm môi trường và tình trạng đánh bắt, thu mua rùa biển bởi khu vực ven đảo được xem là những bãi đẻ quan trọng đối với rùa xanh, đồi mồi… Mà theo cảnh báo, rùa biển là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và nhận được quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, trong đó có nước ta.

Thực trạng trên đặt ra cho công tác quản lý và bảo tồn rùa biển cần có sự tham gia tích cực của các bên liên quan, nhất là cộng đồng ngư dân sống trong hoặc quanh khu bảo tồn có diện tích 12.500 ha, riêng diện tích đảo rộng 140 ha. Thế nên dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận” đã chính thức triển khai từ năm 2016 - 2018. Dự án này có sự hỗ trợ từ Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF SGP), được thực hiện bởi Hội Nông dân huyện Tuy Phong… Kết quả triển khai dự án cũng đạt những mục tiêu về giảm thiểu các nguyên nhân gây tử vong cho rùa biển trên đường di cư vào đảo sinh sản, do việc đánh bắt không chú ý của ngư dân. Cùng với việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về những đe dọa đối với rùa biển, đề cao vai trò tham gia của người dân trong hoạt động bảo tồn. Hay như quản lý các sinh cảnh ven đảo, bảo vệ an toàn các bãi đẻ và nâng cao tỷ lệ trứng nở của rùa trong mùa sinh sản cũng được ghi nhận: Giai đoạn này đã ấp nở thành công, thả về biển 2.105 rùa con, đạt tỷ lệ nở bình quân 71,25% (riêng năm 2017 là 92%).

Từ ý tưởng đề xuất và nguyện vọng của cộng đồng ngư dân, sau mô hình đồng quản lý nguồn lợi điệp quạt tại xã Phước Thể (Tuy Phong) là mô hình thí điểm tương tự đối với nguồn lợi sò lông cũng triển khai tại xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam). Theo đánh giá, mô hình do Hội Nghề cá Bình Thuận tổ chức, điều hành đã đem lại nhiều tích cực như tăng tính tự lực, huy động nguồn lực, kỹ năng chưa sử dụng của cộng đồng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thực tế cho thấy qua mô hình, nguồn lợi sò lông nơi đây cơ bản được phục hồi với mật độ ở thời điểm cao nhất đạt đến 150 con/m2, trứng mực xuất hiện dày hơn trên các sọt đá neo chà và nhiều tôm hùm con, cá ngựa trong vùng dự án…

Hướng đến du lịch xanh

Tại “thủ đô resort” của Việt Nam, hiện Muine Bay là cơ sở lưu trú du lịch tiên phong về xu hướng du lịch xanh, du lịch bảo vệ môi trường. Với diện tích rộng 12,5 ha (gồm cả đảo Hòn Lao), Muine Bay Resort dần mở rộng quy mô đầu tư và nâng cấp đạt chuẩn 4 sao nên thu hút tỷ lệ khách quốc tế khá cao… Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc của resort cho biết: Lãnh đạo đơn vị luôn xem phát triển dịch vụ song song với việc bảo vệ môi trường là định hướng phát triển bền vững.

                
Rùa biển thêm cơ hội sống sót nhờ dự án    được triển khai tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Là doanh nghiệp du lịch đầu tiên trên địa bàn Bình Thuận áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, thế nên Muine Bay Resort rất quyết tâm thực hiện thành công. Với mô hình này, doanh nghiệp cũng có những thuận lợi nhất định, đó là giữ gìn môi trường, là nét văn hóa đã hình thành trước khi xây dựng hệ thống quản lý môi trường và được triển khai cùng với việc duy trì tiêu chuẩn du lịch Bông Sen Xanh… Đến nay Muine Bay Resort cũng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, thay thế bao bì nilon, hộp xốp (đựng thức ăn) và ống hút nhựa sử dụng 1 lần bằng vật liệu dễ phân hủy, thân thiện môi trường như giấy, thân lau sậy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khoa tỏ ra hài lòng về hiệu quả bước đầu khi đội ngũ cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp đều nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí trả lương cho nhân viên, người lao động. Theo ông, việc xúc tiến mô hình có phát sinh thêm chi phí đầu tư, nhưng bù lại Muine Bay Resort tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách, vì vậy nhiều trường hợp khách du lịch đã quyết định trở lại nghỉ dưỡng mỗi khi đến Bình Thuận. Cũng qua đây, mô hình còn khuyến cáo tất cả mọi người chung tay bảo vệ môi trường bằng hành động thiết thực, hưởng ứng tham gia tích cực phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh…

Tiếp tục lan tỏa…

Qua triển khai dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận”, tổ chức UNDP-GEF SGP cũng có khuyến nghị với địa phương. Đó là UBND tỉnh quan tâm xem xét, phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững, có sự tham gia của cộng đồng tại khu bảo tồn, bởi đây là cơ sở để tiếp tục phát huy giá trị tạo dựng từ dự án… Với mô hình thí điểm đồng quản lý nguồn lợi sò lông cũng cần được duy trì, giao lại cho chính quyền và người dân nhằm góp phần giảm các hoạt động khai thác tận diệt, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều loài thủy sản đến cư trú, sinh sản.

                
Xe đạp thân tre, túi - hộp giấy được sử    dụng tại Muine Bay Resort.

Từ hiệu quả áp dụng mô hình quản lý môi trường, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Muine Bay Resort và là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận kỳ vọng xu hướng du lịch xanh sẽ tiếp tục lan tỏa. Trước hết là sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp hội viên đang hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại địa phương, đó cũng là hướng đi tất yếu để đưa ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận phát triển bền vững…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết tâm vì môi trường xanh