Theo dõi trên

“Sắc màu” thị trường việc làm sau biến động

25/10/2022, 05:49

Dịch Covid–19 đã khiến thị trường việc làm rơi vào biến động. Bên cạnh những trắc trở xuất hiện là sự khắng khít hơn trong liên kết đào tạo nghề của doanh nghiệp, là nhận thức về nghề nghiệp của người lao động thực tế hơn... Chính năm 2022 là thời gian diễn ra đổi thay ấy.

Đa dạng việc làm cho lao động lựa chọn

Những biến động

Nếu lĩnh vực du lịch hồi phục nhanh thì lĩnh vực nông nghiệp lại đối diện với nguy cơ thụt lùi, khi giá vật tư, xăng dầu tăng cao; giá bán nông sản không ổn định; sản xuất biến động. Do đó, đã xảy ra tình trạng bỏ hoang những vườn thanh long, không sản xuất lúa các vụ hè thu, vụ mùa ở một số nơi trong tỉnh. Thời gian đó, lao động nông thôn ở những nhà không sản xuất sẽ làm gì, câu trả lời là đi làm bất cứ nghề gì khác có thể. Trong cảnh đó, thanh niên nông thôn quyết liệt hơn với việc học nghề, đó là một lý do khiến số lượng người học nghề trong 10 tháng qua tại các cơ sở giáo dục dạy nghề trong tỉnh đã vượt xa kế hoạch năm. Đồng thời đó, tình hình cũng ghi nhận xu hướng lao động ở độ tuổi thanh niên trong tỉnh đi vào các tỉnh, thành lân cận làm việc, sau biến cố những nơi này đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau khi về quê trốn dịch bệnh rồi không quay trở lại. Ngoài mức thu nhập mà nhà tuyển dụng đưa ra quá hấp dẫn thì còn xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu lâu dài thúc đẩy. Đó là nhu cầu muốn được học hành và nâng cao trình độ nghề nghiệp, thu nhập, tiếp cận với văn minh và môi trường sống đô thị về y tế, kết cấu hạ tầng, dịch vụ và vui chơi giải trí.

screenshot_1666651869.png

Bên cạnh đó, không ít lao động trẻ vì tâm lý muốn “việc nhẹ lương cao”, cộng thêm muốn có tiền nhiều nhanh thoáng chốc, nên thời gian qua có những trường hợp lao động bị xảy ra sự cố. Nhiều thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi đã bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ đưa qua nước ngoài làm việc thông qua các trang mạng, dẫn đến công việc không như giới thiệu, làm việc trong môi trường nặng nhọc, bị bóc lột sức lao động nhiều người trở nên nợ nần, thậm chí mất mạng.

Trong khi đó, số liệu từ Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Thuận được thống kê từ đầu năm nay cho thấy nhu cầu cần lao động của các doanh nghiệp cao hơn nhu cầu cần việc làm của người lao động. Cụ thể, số liệu của tháng 3/2022, qua trung tâm, có 210 doanh nghiệp cần tuyển dụng 13.000 lao động, trong khi nhu cầu người lao động cần việc đăng ký qua trung tâm chỉ ở khoảng hơn 1.200. Và 10 tháng qua, nhu cầu của việc tìm người và người tìm việc tăng lên là cần tuyển 9.695 vị trí việc làm/2.923 lao động cần việc.

Người tìm việc phải chủ động

Cũng trong 10 tháng qua, số liệu từ Sở Lao động – TB&XH cho thấy trên địa bàn tỉnh có 20.561 lao động có việc làm. Trong đó, đáng chú ý, tại khâu cho vay vốn đã giải quyết việc làm cho 5.181 lao động và ước thực hiện cả năm 5.500 lao động. Đối tượng vay chủ yếu là các dự án kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ; hộ gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Có nghĩa người lao động tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Hơn thế, còn có thể tạo việc làm cho người khác, khi có 700 hộ kinh doanh mới xuất hiện, giải quyết việc làm cho 1.750 lao động. Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng đã khởi động trở lại, một số doanh nghiệp có chức năng đang tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 923 lao động (hầu hết là thanh niên) được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc chương trình của Bộ Lao động – TB&XH, tập trung ở những nước có mức thu nhập khá cao, có điều kiện tiếp cận với máy móc có kỹ thuật tiên tiến, phong cách, môi trường làm việc chuyên nghiệp như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Điều đáng quan tâm là sở đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi về nước trên địa bàn tỉnh, nhằm tiếp tục giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Không chỉ đi xuất khẩu lao động mà ngay cả tìm việc tại quê nhà, người lao động cũng phải chủ động để tìm kiếm việc phù hợp trong một thị trường đa dạng việc làm. Vì trên địa bàn tỉnh không chỉ triển khai thực hiện các chính sách giải quyết việc làm theo các nghị định của Chính phủ mà còn có gần 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau có nhu cầu tuyển dụng vào các vị trí công việc tương đối nhiều. Thông qua công tác tư vấn, giới thiệu việc làm của tỉnh như Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động – TB&XH, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tại địa phương, người lao động nên chủ động tìm kiếm được việc làm, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo.

HẢO CHI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nữ Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn năng nổ
Ở thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, nói đến bà Nguyễn Thị Săng - Trưởng Ban công tác Mặt trận, thì đồng bào Rắc Lây đều dành cho bà những lời tốt đẹp. Bà là người có uy tín, giỏi phát triển kinh tế và sẵn lòng giúp đỡ đồng bào.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Sắc màu” thị trường việc làm sau biến động