Theo dõi trên

“Sắc xuân” nông thôn mới!

28/02/2022, 09:57

Kết năm 2021 này, với thành tích nổi bật từ xây dựng nông thôn mới; từ sản lượng lương thực, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh khu vực nông - lâm - thủy sản vượt xa kế hoạch… có thể khẳng định kinh tế nông nghiệp là trụ cột kinh tế đã trụ được trước đại dịch Covid-19.

OCOP - “tinh hoa” nền nông nghiệp bền vững

Tháng cuối năm 2021, sự kiện các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Bình Thuận tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh như một làn gió mới. Trong số 500 gian hàng đến từ 45 tỉnh, thành tham gia hội nghị, Bình Thuận vinh dự có nhiều sản phẩm đa dạng, là những đặc sản và thế mạnh của địa phương. Trong đó, các sản phẩm OCOP chiếm đa số như thanh long tươi của HTX thanh long sạch Hòa Lệ; nước mắm và mắm nêm của Công ty TNHH Cá Đen; Bánh rế Hoàng Lam; rượu vang thanh long của HTX thanh long Hàm Đức; thanh long sấy dẻo của Công ty TNHH MTV Bé Dũng; sản phẩm ăn liền của Công ty TNHH TM chế biến hải sản Đầm Sen. Ngoài ra còn có các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khác của tỉnh…

so-nn.jpg
Sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hữu Phước - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Thuận cho biết: Kết quả ấy, một phần dựa vào vùng đất Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi, khi có cả rừng đa sắc thái và biển với vùng lãnh hải rộng lớn. Hơn thế, còn phân ra các tiểu vùng khí hậu đặc trưng, lợi thế để phát triển nông nghiệp toàn diện về nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp và nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Và quyết định là chính nhờ nội lực của công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể bằng sức lao động, lẫn đam mê sáng tạo đã hình thành các sản phẩm mang nét đặc trưng, thế mạnh theo dòng thời gian.

Bây giờ, các sản phẩm OCOP được vinh danh là đánh dấu sự nỗ lực của những doanh nghiệp, hộ cá thể ấy suốt chặng đường dài. Trong quá trình ấy, chính họ đã giải quyết việc làm, giúp hàng ngàn người dân ở nông thôn có nhiều nguồn thu nhập. Từ đó, khi đồng hành xây dựng nông thôn, chính người dân nông thôn đã đóng góp kinh phí, tài sản và cả sức lực để hình thành hàng loạt công trình từ giao thông cho đến kênh mương, trở thành chủ thể nông thôn mới.

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, qua tổng kết đến nay đã có trên 1.700 điển hình tập thể, gần 2.000 điển hình cá nhân “Dân vận khéo” trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, hàng loạt công trình hoàn thành đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, giúp Bình Thuận vào cuối năm 2021, có 65/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 69,9%, tăng 9,9% so mục tiêu nghị quyết đề ra (60%); vượt xa so với vùng duyên hải Nam Trung bộ (45,82% số xã đạt chuẩn). Lúc này, bộ mặt mới cho khu vực nông thôn đã được phác họa đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Và cũng nhận ra, người dân nông thôn đã hạn chế di cư ra thành phố…

Bức tranh nông thôn mới khởi sắc

Năm 2021, năm dịch bệnh hoành hành nhưng những xã nông thôn mới, cụ thể như ở Đức Linh đã chạm mốc các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao. Trong khi các xã ở các huyện, thị khác, dù chưa đạt các tiêu chuẩn cao như thế nhưng nhìn chung sản xuất được tăng diện tích, vì có nước dồi dào nên sản lượng lương thực vượt xa kế hoạch, trở thành nơi tránh dịch tốt nhất cho bao nhiêu người con Bình Thuận đi làm ăn xa trở về nương náu. Năm khó khăn nhất là như thế. Nhìn lại thời gian qua, 10 năm xây dựng nông thôn mới, với bao khó khăn nhưng toàn ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh đã tìm cách vượt qua và xây dựng được một hạ tầng cho nông thôn mà ai cũng thấy rất rõ. Đó là hệ thống giao thông kết nối thôn xóm, liên xã, vùng miền. Đó là hệ thống thủy lợi nối mạng…Cộng với hàng ngàn nông dân kiên trì áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đa dạng, có năng suất cao. Vì thế, những năm qua sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, xã hội và kinh tế của tỉnh; với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và PTNT, của nhân dân trong tỉnh, nền nông nghiệp của tỉnh giữ ổn định và tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh khu vực nông - lâm - thủy sản vượt 67,7% so với kế hoạch đề ra. Kết năm 2021 này, có thể khẳng định kinh tế nông nghiệp là trụ cột kinh tế đang trụ vững trước đại dịch Covid-19.

so-nn-1.jpg
so-nn-2.jpg
Sự phát triển của ngành nông nghiệp Bình Thuận.

Với “thế” và “lực” ấy, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tin tưởng rằng, năm 2022 tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và thành tích đạt được qua quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân và cán bộ tỉnh Bình Thuận đã được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng ba” vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đây là niềm tự hào, cũng là động lực thúc đẩy để Bình Thuận không ngừng vươn mình phát triển.

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh việc kiên trì các mục tiêu về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết tốt chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp và tăng tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp tươi. Nếu làm được những việc này, ngành nông nghiệp sẽ là một trong những trụ cột, đứng vững trước dịch bệnh hiện nay và trong tương lai.

TRUNG LƯƠNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng nông thôn mới: Nâng cao đời sống, thu nhập người dân
Mục tiêu quan trọng, cao nhất của xây dựng nông thôn mới (NTM) là hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho nông dân. Mục tiêu đó đã và đang được các cấp chính quyền và người dân chung sức đồng lòng tạo nên sự đổi thay.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Sắc xuân” nông thôn mới!