Theo dõi trên

Săn đồ si

29/07/2022, 05:55

Hiện nay, sự thay đổi trong cách thức kinh doanh quần áo là hàng si cũng như quan điểm mua sắm của nhiều người dân có sự thay đổi từ đó đã đưa đồ si trở thành xu hướng thời trang hợp thời. Tại thành phố Phan Thiết, xu hướng này trở thành thú vui, sở thích của nhiều khách hàng.

Thú vui

Ngày thứ 7 được nghỉ làm, Hoàng Ngoan (phường Phú Thủy, Tp. Phan Thiết) lại nhắn tin cho tôi cùng vài người bạn có chung sở thích đi mua sắm đồ si. “Hôm nay tiệm Mê Si thông báo 11h trưa sẽ khui kiện hàng mới nên mọi người tranh thủ đi nha, biết đâu nhiều đồ đẹp” – Ngoan nhắn tin như thế. Thú vui này của Ngoan đã kéo dài từ nhiều năm nay đến tận giờ vẫn không chán.

z3600222559512_cbfec3a44f2286d0d607c00af43846bc.jpg

Đúng 11h chúng tôi có mặt tại tiệm Mê Si (đường Hùng Vương, TP. Phan Thiết). Lúc này, nhân viên của tiệm dùng chiếc kìm nhỏ cắt đường dây bao quanh kiện hàng với toàn áo sơ mi và váy jean. Nhiều phụ nữ tuổi chừng từ 20 - 45 bắt đầu lựa chọn. Ngoan cũng vậy, sà vào rồi ôm một đống váy về phía mình. Thấy tôi đứng ngẩn người ra, vì không biết xử lý như thế nào, Ngoan nói: “Đeo khẩu trang vào rồi ngồi xuống lựa đi. Thích gì thì lấy cái đó. Hôm nay tôi trả tiền”.

Sau nhiều lần ướm vào, thử ra cuối cùng Ngoan cũng đã chọn được 4 chiếc váy phù hợp với mình. “Đồ lần này đẹp quá, nhiều cái rất dễ thương nhưng không vừa, tiếc ghê, chứ không cũng thêm được vài cái nữa”, Ngoan nói.

Cũng theo Ngoan, quần áo ở những tiệm đồ si này rất khó đụng hàng, gọi là “độc nhất vô nhị”, đôi khi chỉ cần chần chừ suy nghĩ là không còn cơ hội sở hữu nó. Cũng vì sự độc đáo này, chỉ cần khéo léo phối một chút, sẽ có những bộ trang phục rất đẹp, ưng ý.

Ở bên cạnh, chị Thanh Tâm (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) cũng là khách quen của các tiệm đồ si trên địa bàn thành phố Phan Thiết, nhất là những nơi chuyên bán các loại đầm. Chị Tâm cho biết, sau những ngày đi làm đầy áp lực thì những ngày nghỉ như thế này chị chỉ cần đến đây ngồi chăm chút lựa chọn từng cái áo, cái quần hoặc cái váy là mọi mệt mỏi nó tan biến hết. “ Thật ra có nhiều hôm mình cũng không lựa được cái nào, nhưng nhìn mọi người lựa rồi nói chuyện rôm rã mình cũng thấy rất vui”, chị Tâm bộc bạch.

Đúng là chị Tâm nói, mỗi khi ghé vào những nơi này, nhìn không khí ở đó vui thật. Người cầm lên, người bỏ xuống, khen chê rôm rả, khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến.

Thu hút khách hàng

Không đam mê đồ si như người bạn của mình, nhưng tôi lại thường xuyên theo bạn đến các tiệm đồ si trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Nhẩm tính cũng có trên 10 tiệm đồ si tôi đã ghé qua. Mỗi một tiệm có cách bài trí khác nhau và theo đuổi phong cách thời trang riêng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kích thước, nhằm đáp ứng nhu cầu của mỗi khách hàng. Những tiệm đồ si này ngoài các mặt hàng thông thường là quần áo cũ, thì nhiều tiệm còn bày bán một số mặt hàng như giày dép, đồng hồ, kính mắt, túi xách…

Cũng vào cuối tuần, tiệm đồ si trên đường Lê Thị Hồng Gấm (TP. Phan Thiết) rất đông khách. Xe máy của khách hàng đến mua đồ chắn hết lối ra vào. Bên trong tiệm, nhiều phụ nữ đang vây quanh kiện hàng mới khui. Chủ cửa hàng giới thiệu, các sản phẩm vừa được lấy về từ Hàn Quốc, Nhật Bản… đang phù hợp với xu hướng hiện nay. Ai cũng háo hức.

Chị Trần Nguyễn Ngọc Phương (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) cho biết: Mặc dù hàng đã qua sử dụng tuy nhiên nhiều cái rất đẹp, giá lại rẻ nên chị rất hài lòng. Chị Phương cho biết thêm, vì đã quen mua đồ si, nên chị chỉ cần nhìn màu sắc, chất liệu, mác đính trên hàng là biết có phải đồ hiệu hay không. “Không chỉ lựa đồ cho bản thân, tôi cũng lựa cho chồng, con nữa. Hiện tại, trong tủ quần áo của tôi có hơn 50% là đồ si. Tiếng là đồ cũ nhưng nhìn trang phục tôi mặc vào không ai chê được”, chị Phương nói.

Chị Hoàng Thị Nam Anh, chủ cửa hàng đồ si trên đường Từ Văn Tư (TP. Phan Thiết) cho biết, mỗi tuần chị khui hàng 1 - 2 lần, mỗi lần khoảng 2 kiện hàng chủ yếu là quần áo, chân váy, giày dép… Theo chị Anh, các mặt hàng đồ si mặc dù đã qua sử dụng nhưng có mẫu mã đẹp, lạ mắt, ngoài ra chất liệu lại rất tốt mà “không đụng hàng” nên đã thu hút rất nhiều khách hàng ở mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Giá cả các mặt hàng này cũng khá mềm, chỉ từ 50.000-150.000 đồng/một sản phẩm.

Để làm được nghề này, nhiều chủ cửa hàng đồ si phải tìm được nguồn cung cấp hàng thùng giá sỉ, có uy tín; và phải thực sự có kinh nghiệm trong chọn mua hàng thùng. Do đó khi lấy hàng, người bán cần kiên nhẫn tìm ra món hàng đẹp, chất lượng như vậy khi bán mới có thể thu hút được người mua.

Quần áo sida là tên gọi của những mặt hàng quần áo, đồ dùng cũ được bán ở Việt Nam từ những năm cuối 1980. Nguồn gốc của những mặt hàng này là quần áo cũ do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt là SIDA) viện trợ cho các nước nghèo ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế chúng còn có các tên gọi đồ sida, đồ si, hàng sida, đồ thùng, hàng thùng. Việc chữ “SIDA” trùng với tên gọi căn bệnh SIDA/AIDS chỉ là ngẫu nhiên.

THANH NHÀN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kiểm tra sạt lở bờ biển tại Tuy Phong
BTO-Chiều qua (27/7), UBND huyện Tuy Phong đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tình hình sạt lở bờ biển và đề xuất biện pháp xử lý tại khu vực Tân Phú, khu phố Phú Thủy, thị trấn Phan Rí Cửa. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Săn đồ si