Theo dõi trên

Sân trường... mùa vắng

05/01/2022, 06:36

BT- Gần nửa năm kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, học sinh các cấp ở thị xã La Gi và các địa phương trong tỉnh đã chuyển sang hình thức học trực tuyến để đảm bảo an toàn sức khỏe. Mặc dù tình hình dịch thời điểm này có phần thuyên giảm nhưng các trường học vẫn yên ắng như tờ vì chưa có thông báo đi học trở lại.

Một buổi sáng đầu tuần, tôi trở lại trường cấp 2 của mình để đóng tiền học phí cho em trai. Ngôi trường bé nhỏ nằm trong lòng thị xã trở nên vắng vẻ và phủ đầy lá vàng, cái gió bấc hiu hiu của những ngày cuối năm càng làm cho người ta cảm thấy đượm buồn khó tả.

7-cot-co-sung-sung-vuon-cao-de-doi-ngay-cac-em-tro-lai.jpg
Cột cờ sừng sững vươn cao để đợi ngày các em trở lại.

Sân trường như ngưng đọng. Tiếng la hét, đùa giỡn của các cô cậu học sinh trong giờ ra chơi cũng ngừng vang xa. Đã quá lâu, những chiếc ghế đá không có ai bầu bạn. Những vệt nắng cũng không còn nhảy nhót mà trải dài trong sầu muộn. Nhớ lắm tiếng trống trường gióng giả và tiếng hát quốc ca đầy hào hùng mỗi đầu tuần. Làm sao quên được kỷ niệm về những lần ngoại khóa với rất nhiều trò chơi thú vị, những lần khóc sướt mướt vì bị điểm kém và cả những lần các bạn nam ngại ngùng gửi quà tặng. Nhưng giờ đây ngôi trường đang khoác lên mình một sự yên tĩnh đến nao lòng.

Thầy Phạm Thành Nhơn (Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thiện) lo lắng: “Khi nào việc tiêm ngừa cho các em hoàn tất thì may ra mới tính đến chuyện đi học trở lại”. Mặc dù, đã 4 lần bùng phát nhưng đây lại là lần tấn công mạnh nhất của “Cô Vy”. Nó đến một cách đột ngột khiến việc giảng dạy và học tập hết sức khó khăn. Thứ nhất là đường truyền không ổn định. Thứ hai, việc học online đòi hỏi sự tự giác cao. Thứ ba, sự trao đổi giữa giáo viên và học sinh cũng bị hạn chế. Và hơn thế nữa, các em không thể có những buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời - hoạt động có sức mạnh gắn kết giữa thầy và trò mà học online không thể thay thế.

1-mot-lop-hoc-trong-khong-tai-truong-thcs-tan-thien.jpg
Một lớp học trống không tại Trường THCS Tân Thiện.

Nhưng không vì vậy mà những người làm giáo dục bỏ cuộc. Khi tôi đến, ngôi trường đang được tu sửa lại sau nhiều tháng áp dụng chỉ thị 16. Nhà trường tiếp tục ký hợp đồng với cô lao công để dọn dẹp 1 tuần 3 buổi. Thỉnh thoảng, các thầy cô chủ nhiệm cũng đến quét dọn để đảm bảo vệ sinh trường lớp cùng với hy vọng một ngày không xa lại được nhìn thấy nụ cười tròn xoe của các học trò nhỏ.

Sau khi nhận biên lai đóng học phí, tôi chầm chậm nhìn ngắm ngôi trường một lần nữa. Cơn gió lạnh của những ngày cuối năm thổi bay vài chiếc lá đang “hấp hối” lìa cành. Thế là năm mới sắp đến, các em cũng đã hoàn thành xong bài thi học kỳ I. Một sự háo hức pha chút phiền muộn. Một sự mong đợi về những phương pháp giáo dục phù hợp để đối phó với tình hình kéo dài của dịch bệnh. Điều này không chỉ là sự cố gắng của những người làm giáo dục mà còn có cả sự hợp tác của phụ huynh, các ban, ngành. Và còn có cả sự hợp tác của các em - những “chú chim bồ câu” đang học cách thích nghi với thế giới vô thường này.

QUỲNH HƯƠNG - TRẦN LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đến nhà dạy chữ cho học sinh vùng cao
BT- Thay vì mỗi em một thiết bị thông minh, có ba mẹ hoặc người lớn ngồi bên cạnh kèm cặp như những bạn cùng trang lứa ở vùng xuôi, thì với học sinh tiểu học ở vùng cao, việc phải tự học và làm bài tập nộp cho thầy cô hàng ngày vì không có thiết bị thông minh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sân trường... mùa vắng