Theo dõi trên

Sản xuất, chế biến thủy sản: Khó khăn nguồn nguyên liệu

17/02/2020, 10:28

 BT- Nguồn nguyên liệu không dồi dào cộng với ảnh hưởng dịch bệnh  Covid – 19 khiến các công ty xuất khẩu thủy sản cũng bị chậm lại những đơn hàng…

                
Ngư trường ít thuận lợi, khan hiếm "lộc biển"    ngay đầu năm.

 Khan hiếm “lộc biển”

Khi nghe có thông tin dịch bệnh Covid - 19 gây ảnh hưởng đến một số thị trường nông sản, ngư dân cũng lo lắng giá các mặt hàng hải sản giảm, nhưng theo ghi nhận giá cả vẫn bình ổn. Tuy nhiên, không khí mua bán, sản xuất chế biến mặt hàng thủy sản đầu năm nay không mấy sôi động. Nguyên nhân là từ sau Tết Nguyên đán đến nay, gió bấc liên tục thổi mạnh, nước chảy xiết khiến ngư dân không đánh bắt hải sản được bao nhiêu. Cùng với yếu tố thời tiết là tình trạng khan hiếm lao động biển khiến nhiều chủ tàu chưa dám xuất hành, đặc biệt là những tàu công suất lớn.

Sau 1 ngày đánh bắt gần bờ, tàu của anh Phạm Văn Hải (phường Phú Hài, Phan Thiết) thu được chỉ chút ít cá khiến anh kém vui, bởi những chuyến xuất hành đánh bắt sau tết đều không thuận lợi. “Ngư trường khó khăn, khai thác không hiệu quả nên hầu hết tàu thuyền nằm bờ dài ngày, đây là năm tàu thuyền nghỉ tết sớm và  nghỉ lâu hơn so với mọi năm. Đã vậy, những ngày qua gió vẫn còn thổi mạnh, bạn thuyền thiếu giờ chỉ trông chờ đợt không khí lạnh tan thì mới ra khơi được”, anh Hải nói. Theo các ngư dân, với điều kiện thời tiết như hiện nay chỉ có một số tàu thuyền nhỏ, phương tiện thúng nghề lưới rê khai thác cá nổi ven bờ, câu mực bắt hải sản. Nguồn nguyên liệu chế biến hải sản khan hiếm, nhất là trong tình hình hiện nay khi dịch bệnh  Covid – 19 ít nhiều có những tác động cho các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản.

 Chậm lại đơn hàng

“Hải sản ít không đủ thu mua” - đó là câu trả lời phổ biến của các cơ sở kinh doanh hải sản khi được hỏi thăm vào những ngày này. Vì thế, đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào của các công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh. Mặc dù, các doanh nghiệp đều đã ổn định sản xuất ngay sau kỳ nghỉ tết, tuy nhiên tại một số công ty chế biến xuất khẩu thủy sản, các kho lạnh vẫn chưa hoạt động trở lại hoặc vận hành chưa hết công suất. Hiện tại, hoạt động xuất khẩu thủy sản đang thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào nên nhiều đơn vị chỉ mới bắt đầu trở lại thực hiện các đơn hàng. Đã vậy, vừa lo sản xuất, vừa phải chủ động phòng chống dịch bệnh Covid – 19 gây ra và nhiều công ty đã trang bị máy đo thân nhiệt, phát khẩu trang miễn phí cho công nhân.

Tại Công ty Xuất Nhập khẩu Bình Thuận (Thaimex), cán bộ, công nhân, người lao động, khách đến liên hệ công tác đều phải đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe. Công ty yêu cầu mọi người rửa tay diệt khuẩn và đeo khẩu trang khi làm việc. Các đơn hàng, công ty đã thực hiện xong tháng 1, chủ yếu ở thị trường châu Âu, Hàn Quốc... Các đơn hàng của tháng 2 cũng chỉ mới bắt đầu, vì nguồn hàng chưa nhiều.

Chủ cơ sở thu mua mực, bạch tuột tại Cảng cá Phan Thiết tính toán: Thời điểm này, chị mua vài chục tấn hàng cung cấp cho các công ty hải sản nhưng hiện chỉ được 5 – 10 tấn mỗi ngày nên không đủ hàng theo nhu cầu. Hàng của các công ty hải sản tại Phan Thiết chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc khoảng 10%, còn lại chủ yếu xuất khẩu qua nhiều thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, châu Âu nên dịch bệnh Covid – 19 không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hải sản của Bình Thuận.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất, chế biến thủy sản: Khó khăn nguồn nguyên liệu