Có chuyển biến
Đại diện Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Trans Pacific (KCN Phan Thiết giai đoạn 2) cho biết, hoạt động của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, đơn hàng xuất khẩu đều đặn và có dấu hiệu tăng những tháng cuối năm nay đến hết năm 2025. Vì thế, công ty đẩy mạnh quá trình nâng cao năng suất chế biến nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Tháng 8 vừa qua, công ty đã khánh thành thêm kho lạnh và dây chuyền sản xuất mới có diện tích gần 4.000 m2 với sức chứa tương đương 2.000 tấn hàng. Cũng nhận được đơn đặt hàng đều đặn như trên, Công ty TNHH Hải Triều chuyên xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nga… cũng lên kế hoạch đầu tư nhà máy đóng hộp và kho lạnh với vốn đầu tư 225 tỷ đồng vào năm 2025, sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương. Qua đó cho thấy tín hiệu vui cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc so với năm cũ.
Bên cạnh ngành nghề chế biến, bảo quản thủy sản có đơn đặt hàng ổn định, thì những ngành hàng chủ lực khác như giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều, thực phẩm, gỗ, cơ khí và nhóm ngành hàng thương mại và dịch vụ… cũng có sự tăng trưởng. Ngoài 2 doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất trên, còn có 2 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Do là Công ty TNHH Sheh Fung Screws Việt Nam – KCN Hàm Kiệm II và dự án kho chứa thiết bị điện nước của Công ty cổ phần Phước Thạnh.
Theo BQL các KCN tỉnh, từ đầu năm đến nay, đã thu hút được 3 dự án đầu tư, trong đó có 2 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.045 tỷ đồng và 12 triệu USD, diện tích 17,44 ha. Đó là các dự án Nhà máy sản xuất bao bì giấy Huy Tường của Công ty cổ phần Huy Tường với vốn đầu tư đăng ký 50 tỷ đồng, diện tích 2,49 ha; Dự án Nhà máy xỉ titan Sông Bình của Công ty cổ phần Titan Dioxit Sông Bình với vốn đầu tư đăng ký là 995 tỷ đồng, diện tích 9,95 ha và Dự án sản xuất văn phòng phẩm Shiny Circle Việt Nam của Shiny Circle Limited với vốn đầu tư đăng ký 12 triệu USD, diện tích 5 ha. Đồng thời, còn cấp điều chỉnh tăng vốn 2 dự án (dự án Kho và trạm chiết nạp LPG Bình Thuận của Công ty CP kinh doanh khí miền Nam tăng 0,8 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất, gia công nguyên phụ liệu giày dép Thành Vượng của Công ty TNHH nguyên phụ liệu giày dép Thành Vượng tăng 3,5 triệu USD).
Song song đó, đã chấm dứt 3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng và diện tích 22,88 ha. Như vậy, lũy kế đến nay, các KCN trong tỉnh thu hút được 87 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 62 dự án trong nước và 25 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 16.000 tỷ đồng và 206,33 triệu USD với diện tích đất cho thuê 250,97 ha.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Có được kết quả đó, là nhờ BQL các KCN đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và thông tin cho các doanh nghiệp các quy định, chính sách có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường. Ngoài ra, lãnh đạo BQL luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, nắm tình hình hoạt động, cũng như giải quyết các khó khăn, kiến nghị và đề xuất tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, BQL đã tập trung theo dõi và đôn đốc các doanh nghiệp KCN thực hiện đúng các chế độ chính sách cho người lao động, nhất là các chế độ lương, thưởng, việc làm của công nhân, người lao động... Việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động như: ký kết hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT… được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt trên 96%; thu nhập bình quân của hơn 10.500 lao động đạt 7,1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm, tập trung vào các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long, xoài sấy, phân bón, đá thạch anh nhân tạo; trong đó có 3 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 1 doanh nghiệp sáp nhập.
Ông Phùng Hữu Cư – Trưởng Ban Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt Hội nghị tổng kết 25 năm thành lập và phát triển các KCN, định hướng phát triển mở rộng và thành lập mới một số KCN trên địa bàn tỉnh sắp tới. Qua đó, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế thiếu sót, những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để đề ra những giải pháp cho nhiệm vụ sắp tới. Đồng thời, triển khai thực hiện các KCN theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng dẫn, hỗ trợ và thông tin đến các doanh nghiệp các quy định, chính sách có liên quan.
Để triển khai nhiệm vụ cho những tháng còn lại trong năm, ông Phùng Hữu Cư nhấn mạnh: “Các chủ đầu tư, các doanh nghiệp thứ cấp cần rà soát lại các nhiệm vụ tỉnh giao từ đầu năm để tiếp tục triển khai thực hiện. Ngoài ra, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư và kịp thời giải quyết các vướng mắc của các dự án đầu tư hạ tầng và các dự án thứ cấp trong các KCN… Đặc biệt, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tạo đà ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và không để xảy ra đình công, tụ tập đông người, biểu tình trái phép gây mất an ninh trật tự trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Lũy kế đến hết quý III/2024, doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt 7.190 tỷ đồng, đạt 75,3% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 190 triệu USD, đạt 76% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 195 tỷ đồng, đạt 76,4% kế hoạch năm.