Theo dõi trên

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào 'ngõ cụt', Nga khẳng định không tìm được lý do để gia hạn

02/07/2023, 05:36

Ngày 30/6, Nga cho biết nước này thấy không có lý do gì để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen sau ngày 17/7 vì phương Tây đã hành động một cách "thái quá" đối với thỏa thuận này, nhưng đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Nga sang các nước nghèo sẽ tiếp tục.

Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2022 để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine.

nga-dua-ra-quyet-dinh-quan-trong-voi-ngu-coc-sau-khi-nhan-duoc-dam-bao-day-du-tu-ukraine-20221102184910.jpg
Các tàu thương mại trong Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chờ đợi ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ sáng sớm ngày 31/10/2022.

Thỏa thuận này cho phép thực phẩm và phân bón được xuất khẩu từ ba cảng của Ukraine là Chornomorsk, Odesa và Pivdennyi (Yuzhny). Thỏa thuận đã được gia hạn ba lần.

Cùng ngày, Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại không có chuyến tàu mới nào được thông quan theo thỏa thuận Biển Đen kể từ ngày 26/6 - mặc dù đã có 29 đơn đăng ký, đồng thời kêu gọi tất cả các bên "cam kết tiếp tục và thực hiện hiệu quả thỏa thuận không chậm trễ hơn nữa”.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, hiện chỉ có 13 tàu đang bốc hàng tại các cảng của Ukraine hoặc đang di chuyển đến/và đi từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới và là những “người chơi” chính trên thị trường lúa mỳ, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. Nga cũng chiếm ưu thế trên thị trường phân bón.

Theo Liên hợp quốc, trong giai đoạn 2018-2020, châu Phi đã nhập khẩu một lượng lúa mỳ trị giá 3,7 tỷ USD (32% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mỳ của châu Phi) từ Nga và 1,4 tỷ USD (12% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mỳ của châu Phi) từ Ukraine.

Để thuyết phục Nga đồng ý với sáng kiến này, một hiệp ước cũng đã được ký kết vào tháng Bảy năm ngoái, trong đó Liên hợp quốc đồng ý hỗ trợ Nga khắc phục các rào cản đối với các chuyến hàng xuất khẩu thực phẩm và phân bón của họ. Các yêu cầu cụ thể của Nga là Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) được kết nối lại với hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT), nối lại việc cung cấp máy móc nông nghiệp và các thiết bị sản xuất cho Nga, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế đối với bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Các yêu cầu khác bao gồm nối lại đường ống dẫn amoniac Togliatti-Odesa, cho phép Nga bơm hóa chất tới cảng Biển Đen của Ukraine, đồng thời dỡ bỏ phong toả tài sản và tài khoản của các công ty Nga liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón. Tuy nhiên, Nga cho biết hiện không có tiến triển về bất kỳ yêu cầu nào trong số đó.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trung Quốc vận hành nhà máy quang - thủy điện lớn nhất thế giới
Cụm nhà máy quang - thủy điện lớn nhất thế giới nằm ở độ cao cao nhất thế giới tại Trung Quốc bắt đầu kết hợp sản xuất điện vào ngày 25/6.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào 'ngõ cụt', Nga khẳng định không tìm được lý do để gia hạn