Nhà máy này nằm ở độ cao từ 4.000 đến 4.600 mét so với mực nước biển tại xã Kha Lạp (Kela) châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc, khởi công xây dựng hồi tháng 7/2022. Dự án có diện tích khoảng 16 triệu m2, tương đương 2.000 sân bóng đá tiêu chuẩn, công suất lắp đặt 1 triệu kilowatt.
Nhà máy quang điện Kela nhìn từ trên cao. Ảnh: Chinanews
Nhà máy có tổng cộng 527.000 cọc móng quang điện, tương đương với trọng lượng của 222 chiếc máy bay C919, trong khi mỗi chiếc C919 nặng 72,5 tấn. Nếu kết nối các cọc quang điện này với nhau, tổng chiều dài sẽ lên tới hơn 1.400 km.
Điện do các tấm pin mặt trời tạo ra tại đây sẽ được kết nối với nhà máy thủy điện Lưỡng Hà Khẩu cách đó 50 km, công suất lắp đặt 3 triệu kilowatt, tích hợp vào lưới điện thông qua đường dây tải điện 500 kV. Công suất phát điện trung bình hàng năm của nhà máy là 2 tỷ kWh, có thể đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của 700.000 hộ gia đình, đồng thời giúp tiết kiệm hơn 600.000 tấn than tiêu chuẩn và giảm hơn 1,6 triệu tấn khí thải carbon dioxide.
Với tính chất không ổn định, dao động và gián đoạn của quá trình phát điện, điện mặt trời hay quang điện thường gây ảnh hưởng đến sự an toàn của lưới điện. Theo ông Ngô Địch (Wu Di), kỹ sư thiết kế chính của dự án, kết hợp phát điện giữa năng lượng mặt trời và thủy điện được coi là một cách hiệu quả để giúp lưới điện ổn định hơn.
Ngoài việc đóng góp vào mục tiêu đạt đỉnh và trung hòa carbon, cũng như tối ưu hóa cơ cấu năng lượng quốc gia của Trung Quốc, dự án còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành như nông nghiệp, chăn nuôi, du lịch và giao thông vận tải ở các khu vực lân cận và vùng dân tộc thiểu số.