Theo dõi trên

“Sập bẫy” lãi suất cao

18/11/2022, 05:31

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh liêp tiếp xảy ra những vụ vỡ nợ với số tiền khủng từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Dù thủ đoạn hay hình thức gom tiền trong các vụ vỡ nợ không có gì mới và cũng không có gì tinh vi, nhưng rất nhiều người dân vẫn “sập bẫy” chỉ vì ham lãi suất cao…

Vỡ mộng…

Nhắc đến vụ vỡ nợ ở xã Nghị Đức - huyện Tánh Linh vào năm 2019, những nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị bà Hồ Thị Kiều Anh (SN 1983) - cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện “ôm” hàng chục tỷ đồng với lý do kinh doanh bất động sản. Với “mác” cán bộ huyện và tài ăn nói khéo léo, bà nhanh chóng chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của người khác. Do đó, khi bà đặt vấn đề vay mượn tiền với lãi suất cao, nhiều người lập tức đồng ý mà không mảy may xem xét khả năng trả nợ của nữ cán bộ này. Thời gian đầu, bà Kiều Anh đều trả lãi sòng phẳng, nên càng tạo được lòng tin. Khi đã huy động được nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng của gần 20 cá nhân trên địa bàn huyện thì bà Anh tuyên bố mất khả năng chi trả, làm nhiều người “té ngửa”. Cách đây mấy năm, ở La Gi cũng xảy ra 1 vụ vỡ nợ lớn không kém liên quan đến đường dây huê hụi do bà Trần Thị Liên (SN 1970, phường Phước Lộc, thị xã La Gi) làm chủ. Bà Liên trước đây là chủ ghe, trong quá trình làm ăn tại địa phương, bà huy động vốn bằng nhiều hình thức chơi hụi và tổ chức nhiều dây hụi với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Khi biết tin bà Liên rời khỏi địa phương, nhiều người đã kéo đến nhà bà Liên “sống dở, chết dở” nhưng bất thành.

screenshot_1668724582.png

Cũng vì tin vào huê hụi với mong muốn tiết kiệm được ít tiền cho con đi học, xây nhà, trả nợ… mà những người lao động ở xã Hòa Thắng – huyện Bắc Bình cũng có một thời gian điêu đứng khi chủ hụi lâu năm do bà Ngô Thị Mười (SN 1965) - thôn Hồng Chính – xã Hòa Thắng bỗng dưng “mất tích”. Bà Mười là chủ huê hụi và cho vay tiền góp nhiều năm ở địa phương, được nhiều người tin tưởng khi luôn trả lãi và chi trả những dây hụi đúng hẹn. Do đó, có nhiều người quá tin tưởng đã cho bà Mười mượn hàng trăm triệu đồng, thậm chí, còn đứng ra kêu gọi anh em, cô dì, họ hàng hùn tiền cùng tham gia. Đến khi bà Mười tuyên bố mất khả năng chi trả, cả làng quê tan tác.

Mới đây nhất là ở xã Chí Công – huyện Tuy Phong, người dân nơi đây cũng “té ngửa” khi hay tin bà Võ Thị Ngọc Dung (SN 1987) và chồng là Nguyễn Quốc Thanh (SN 1986) – xóm 14, thôn Hiệp Đức 2 đã “ôm” hàng chục tỷ đồng và đi khỏi địa phương khi tết đang đến gần. Đó chỉ là con số thống kê qua đơn trình báo của người dân, có thể con số thực tế sẽ hơn thế rất nhiều. Với chiêu thức “đáo hạn ngân hàng”, vay thời gian ngắn, lãi suất cao từ 3 – 6%/tháng, vợ chồng bà Dung khiến nhiều người ở địa phương mấy ngày qua mất ăn mất ngủ với số tiền lớn có nguy cơ mất trắng.

Đừng tin “lãi suất khủng”

Như một kịch bản có sẵn, khi đã gom được số tiền kha khá, đến một ngày “đẹp trời”, các “đại gia dỏm” bỗng dưng “bốc hơi” hoặc tuyên bố rằng... không còn khả năng trả nợ. Đến lúc này, theo hiệu ứng dây chuyền, không chỉ những người trực tiếp tham gia mà cả những người thân quen khác được huy động tiền bạc cũng lâm vào hoàn cảnh hết sức khốn khổ, bán nhà cửa để trả nợ, gia đình ly tán, thậm chí, có trường hợp khủng hoảng tinh thần trầm trọng đã tìm đến cái chết...

Thủ đoạn lừa đảo đã cũ, phương thức lừa cũng không có gì mới, các đối tượng thường lợi dụng mối quan hệ quen biết, tạo vẻ ngoài giàu có, có của ăn của để và hứa trả lãi suất cao, nên đã dễ dàng làm “mờ mắt” nhiều người. Thấy việc kiếm lời quá dễ dàng, nhiều người mất cảnh giác, sẵn sàng cho vay tiền, thậm chí gom của người thân cho vay để hưởng chênh lệch. Thông thường, do quen biết nên 2 bên cho vay bằng “niềm tin”, “uy tín”, không có tài sản thế chấp, không công chứng. Việc vay nợ không được xác lập trên cơ sở pháp lý. Chỉ đến khi đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay, người ta mới “vỡ giấc mộng” làm giàu, lâm vào cảnh trắng tay hoặc nợ nần chồng chất.

Những vụ việc như trên để lại hậu quả vô cùng nặng nề, khiến nhiều người dân nông thôn, vùng biển đã nghèo, nay lại càng khổ hơn. Những vụ vỡ nợ, lừa đảo tín dụng trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra hình như chưa đủ độ cảnh báo, chưa làm cho nhiều người tỉnh ngộ, dù hàng trăm, hàng nghìn người đã trắng tay. Ngay cả khi chủ nợ và con nợ ra tòa dân sự để thưa kiện, dù có thắng kiện thì chủ nợ cũng trong tình cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Theo ngành chức năng, đối với các vụ vỡ nợ, người vay nợ không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 Bộ luật Hình sự, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội phạm này đối với người vay nợ thường rất yếu. Một phần do người vay nợ và chủ nợ đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, khi xảy ra vỡ nợ không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Vì thế, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự. Do đó, Nhà nước cần có giải pháp quyết liệt hơn với hoạt động tín dụng đen, huê hụi. Phải có chế tài đối với những vụ việc tương tự để răn đe, đồng thời xử lý thật cụ thể các trường hợp vi phạm, tránh sự lách luật gây thiệt hại cho cộng đồng.

Những bài học “của đau con xót” không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhắc lại để thấy rằng, làm giàu chính đáng chưa bao giờ dễ, và hiếm có loại hình kinh doanh hợp pháp nào sinh “lãi suất khủng” vài chục phần trăm một năm. Vì thế để tránh “sập bẫy”, người dân hãy cảnh giác và mạnh dạn từ chối với những hứa hẹn “lãi suất cao và thu lợi trong thời gian ngắn”.

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vỡ dây hụi hàng chục tỷ đồng ở xã Hòa Thắng
BTO- Gần 1 tuần nay, hàng chục người dân ở xã Hòa Thắng xôn xao, lo lắng khi không liên hệ được với bà Ngô Thị Mười (SN 1965 - thôn Hồng Chính – xã Hòa Thắng, Bắc Bình) – một chủ hụi lâu năm ở địa phương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Sập bẫy” lãi suất cao