Theo dõi trên

Sau lễ hội Trung thu những lồng đèn sẽ về đâu?

22/09/2016, 08:13

BT- Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam tổ chức hàng năm tại thành phố Phan Thiết đã khép lại, mang đến cho trẻ em lẫn người lớn những giây phút thăng hoa bởi những lồng đèn khổng lồ rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên, sau đêm hội hoành tráng đó, những lồng đèn lớn nhỏ lung linh kia sẽ về đâu?

                
Lễ hội rước đèn Trung thu năm 2016. Ảnh:    Đ.Hòa

Sau khi thưởng ngoạn “dòng sông ánh sáng” gồm 33 lồng đèn lớn và hơn 3.000 lồng đèn nhỏ từ từ chảy qua các tuyến đường chính trong thành phố, đêm hội rước đèn thật sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người dân. Biết rằng, để lễ hội rước đèn thành công rực rỡ, mỗi trường bỏ ra chi phí làm lồng đèn lớn không hề nhỏ, trung bình từ 40 – 70 triệu đồng/cái, đều được quyên góp theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, sau đêm hội thì hầu như những chiếc lồng đèn lung linh sắc màu ấy trở thành vật “thừa thải” vì nhiều trường không biết phải bảo quản ở đâu, mặc cho nắng mưa, gió bão. Ghé vài trường tiểu học trong thành phố Phan Thiết, ai cũng dễ dàng bắt gặp những cộ đèn khổng lồ được phủ bạt nằm chơ vơ giữa sân trường. Sau vài tháng, những cộ đèn có giá trị hàng chục triệu đồng ấy không còn giá trị sử dụng. Vì lẽ đó, những năm gần đây, để tránh sự lãng phí, nhiều thầy cô đề nghị thành phố cho chủ trương 2 năm tổ chức một lần, xen kẽ với lễ hội Nghinh Ông để các trường đỡ bớt chi phí.

Có thể thấy, lễ hội rước đèn trong đêm rằm tháng 8 tổ chức hàng năm không chỉ được trẻ em mong đợi mà người lớn cũng rất háo hức. Được đánh giá có sự sáng tạo, đầu tư và bám sát chủ đề, những lồng đèn lớn nhỏ năm nay đã được nhiều đơn vị, doanh nghiệp để ý, có ý định thu mua lại. Chủ một quán cà phê ở huyện Tuy Phong rất thích mô hình lồng đèn kéo quân của cụm Mũi Né, anh nhờbáo Bình Thuận liên hệ mua lại 30 cái lồng đèn nhỏ để trang trí quán cà phê của mình. Chúng tôi liên hệ vài trường theo yêu cầu, thì hầu hết lãnh đạo các trường tỏ ra vui mừng vì sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí. Tuy nhiên, các thầy cô cho biết, hầu hết những lồng đèn nhỏ là do kinh phí xã hội hóa hoặc do hội phụ huynh học sinh của trường đóng góp. Vì vậy, những lồng đèn nhỏ trường không có chủ trương thu về, các em sẽ tự giữ lấy. Và hầu hết số lồng đèn này ít khi được nguyên vẹn sau đêm hội. Do đó, việc các đơn vị tính mua lại để trang trí nhà hàng, quán cà phê tưởng rằng đơn giản nhưng lại không được như ý muốn. Thầy Võ Quốc Anh – Hiệu trưởngtrường tiểu học Mũi Né 4 cho biết: “Trước khi lễ hội trung thu diễn ra, nếu các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mua lại những lồng đèn nhỏ, nên trao đổi với các trường trước để thầy cô cùng các em bảo quản. Vì thường sau đêm hội, các em sẽ làm rách, cháy không giữ được hình hài nguyên vẹn. Nếu được các đơn vị mua lại thì sẽ đỡ một phần chi phí”. Được biết, resort Malibu (Mũi Né) cũng có ý định thu mua một số lồng đèn nhỏ để trang trí, nhưng nhiều trường không giữ được số lượng đèn như mong muốn.

Để lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam được duy trì và giảm bớt kinh phí cho các trường, hy vọng các ngành chức năng cần có kế hoạch, gợi ý các doanh nghiệp, đơn vị thu mua lại những lồng đèn sau đêm hội để trang trí quán xá, resort… tô điểm cho khách sạn, nhà hàng, quán cà phê thêm phần lung linh, cũng như góp phần giới thiệu cho du khách về lễ hội độc đáo này.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hội nghị Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia
BTO-Sáng 5/11, tại thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau lễ hội Trung thu những lồng đèn sẽ về đâu?