Mỹ hạ giọng trong cuộc “khẩu chiến” với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã "hạ giọng" với Triều Tiên. (Ảnh: AP) |
Giới chức Mỹ đã “hạ giọng” sau những ngày khẩu chiến gay gắt vừa qua với Triều Tiên.
Trả lời báo giới hôm qua (15/8) sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Kim Jong-Un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa tới gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên. Và thời điểm bắt đầu đàm phán sẽ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong một tuyên bố cụ thể hơn, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cùng ngày 15/8 nói rằng quyết định hoãn kế hoạch tấn công Guam là chưa đủ và Triều Tiên cần phải chứng minh được nỗ lực nghiêm túc để phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi sẽ đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào thời điểm thích hợp”, bà Heather Nauert nhấn mạnh. “Khi Triều Tiên cho thấy họ nghiêm túc trong nỗ lực phi hạt nhân hóa và đây là điều mà chúng tôi chưa nhìn thấy được. Tôi phải nhắc lại rằng, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân năm ngoái, 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa trong vòng 1 tháng và chúng tôi không thấy họ thực sự nghiêm túc trong vấn đề này. Chúng tôi tin rằng vẫn còn giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên”.
Đây mới chỉ là sự hạ nhiệt trong cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đe dọa bắn đồng thời 4 quả tên lửa đạn đạo tới gần vùng lãnh thổ Guam và Tổng thống Mỹ đã trả bằng tuyên bố “đạn đã lên nòng” nhằm vào Triều Tiên.
Ngòi nổ căng thẳng thực tế vẫn chưa được tháo gỡ. Triều Tiên hoãn kế hoạch tấn công vì muốn chờ xem hành động tiếp theo của Mỹ là gì. Theo đó, giới quan sát cảnh báo Triều Tiên có thể thực hiện kế hoạch này khi Mỹ và Hàn Quốc đã chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự chung tiếp theo, vốn bị Triều Tiên cáo buộc là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.
Tình hình Bán đảo Triều Tiên đang vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Hiển nhiên là không ai mong muốn một cuộc chiến nổ ra.
Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định sẽ không có bất cứ hành động quân sự nào trên Bán đảo Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc.
Phát biểu hôm qua trong Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày giải phóng khỏi ách thống trị của Phát xít Nhật Bản, ông Moon Jae-in khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ ngăn chặn chiến tranh bằng mọi giá, đồng thời thúc giục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ cũng đang tìm kiếm thêm sức ép từ bên ngoài để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Theo giới phân tích tại cả Mỹ và Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump có ý định sử dụng vấn đề thương mại để buộc Trung Quốc gia tăng sức ép lên Triều Tiên.
Việc Tổng thống Mỹ hôm 14/8 ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc là một phần của ý định này.
Nhà phân tích Jeffrey Schott tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson của Mỹ cho rằng hành động này không có gì đáng ngạc nhiên.
“Thương mại sẽ chịu hậu quả bởi vì những vấn đề ngoại giao sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ thương mại”, ông Jeffrey Schott nói. “Tôi cho rằng đó là lý do tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp đầu năm nay. 2 nhà lãnh đạo đã thừa nhận rằng họ phải đối phó hiệu quả trên cả lĩnh vực ngoại giao và thương mại”.
Trong khi các Tổng thống tiền nhiệm Mỹ luôn cố gắng tách biệt các vấn đề an ninh và kinh tế, thì chính quyền của ông Trăm lại “gộp” những vấn đề này với nhau. Do đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu Mỹ tiến hành “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc để gây sức ép trong vấn đề Triều Tiên.
Hoàng Lê/VOV