Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, ngành chăn nuôi của tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, chăn nuôi đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư nên đã dẫn đến làm ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt. Trong đó, cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến phát triển một cách tự phát, xen kẽ trong khu dân cư, đã làm phát sinh tiếng ồn, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư, đời sống sinh hoạt của người dân sống xung quanh.
Nhà yến trong khu dân cư ở Hàm Thuận Bắc
Theo Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực ngày 1/1/2020 xác định: Chim yến là loại động vật khác trong chăn nuôi và mọi hoạt động liên quan đến nuôi chim yến đều thực hiện theo quy định tại Luật Chăn nuôi và Nghị định số 13/2020 của Chính phủ, hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất vùng được nuôi chim yến của các huyện, thị xã, thành phố.
Như vậy, theo quy định vùng nuôi chim yến nêu trên thì không được phép nuôi chim yến trong vùng cấm chăn nuôi của tỉnh mà phải chấm dứt hoạt động hoặc di dời ra vùng được phép nuôi chim yến. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân nuôi chim yến chủ yếu bằng công nghệ dẫn dụ và trong thực tiễn chưa thực hiện được việc di dời chim yến đến nhà nuôi mới. Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT không đề xuất chính sách hỗ trợ cho cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Mặt khác, để giúp các cơ sở gây nuôi chim yến ổn định chăn nuôi nhưng phải đảm bảo tuân thủ về môi trường và tiếng ồn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh thì các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến hiện nay còn trong vùng cấm chăn nuôi phải tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý nuôi chim yến. Cụ thể, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh, không được đầu tư xây dựng cơi nới, mở rộng, nâng tầng nhà ở để làm nơi nuôi chim yến và trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày nghị quyết HĐND tỉnh ban hành, (thực hiện Nghị định 13/2020 và Luật Chăn nuôi) có hiệu lực thi hành buộc phải chấm dứt hoạt động.
Đó cũng là nội dung trong Dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; quy định vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh do Sở Nông nghiệp và PTNT vừa trình UBND tỉnh xem xét. Trong đó, đối tượng áp dụng gồm các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc người nước ngoài có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu ý kiến góp ý, rà soát nghiên cứu tách quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, thành một nghị quyết. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu bổ sung thêm nghị quyết liên quan đến quy định vùng nuôi chim yến, trình HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Kiều Hằng