Theo dõi trên

“Siết chặt” kiểm soát bạo lực học đường

24/02/2016, 08:33

BT- Trước vụ một học sinh nam lớp 9 bị đâm chết mới đây, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Phan Thiết đang triển khai nhiều giải pháp để “siết chặt” hơn an ninh trường học.

                
Giờ tan học ở Trường THCS Nguyễn Du. Ảnh:    Đ.H

Việc gây gổ trong học sinh rất phổ biến

 Được biết, không chỉ sau khi xảy ra sự việc ngành giáo dục mới có văn bản chỉ đạo các trường học trong tỉnh “siết chặt” tình hình an ninh trường học, mà nhiều năm nay vấn đề bạo lực học đường luôn được ngành giáo dục quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, với lứa tuổi học sinh ở cấp 2 và 3, tình trạng xích mích, gây gổ dẫn đến đánh nhau rất phổ biến. Bản thân nhà trường cũng rất khó quản lý do không thể nắm bắt được tâm sinh lý của các em. Thầy Văn Tấn Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: Học sinh của trường hiện nay sử dụng các trang mạng xã hội rất phổ biến, do đó rất khó kiểm soát được những việc các em làm hằng ngày. Chưa kể các mối quan hệ bên ngoài nhà trường, từ đó rất khó để biết được những xích mích gây gổ mà chủ động ngăn chặn. Qua tìm hiểu những vụ đánh nhau đa phần là học sinh có bạn bè bên ngoài nhà trường, không được học đến nơi đến chốn, hoặc những học sinh bỏ học thành lập các băng nhóm chuyên gây chuyện và đánh nhau.

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, theo thầy Hiếu phải hạn chế học sinh giao du với các đối tượng này. Bởi nếu để các em chơi thường xuyên dễ dẫn đến bỏ học hoặc bắt chước những tính xấu không đáng có. Được biết, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi cũng đã có lần bị những học sinh trường khác và các đối tượng bên ngoài đến gây gổ, đánh nhau. Biết được sự việc, nhà trường lập tức nhờ công an phường đến can thiệp, đồng thời theo dõi và có biện pháp kịp thời, nhờ đó hạn chế  những vụ đánh nhau. Đối với học sinh ở độ tuổi cấp 2, 3 theo nhiều giáo viên cho biết đôi khi vì một lý do rất đơn giản như chọc ghẹo, lời qua tiếng lại là gây gổ rất thường xảy ra. Quan trọng là nhà trường nên có những giải pháp ngăn chặn ở mức độ có thể chấp nhận được.

 Giáo dục đạo đức, nâng cao trách nhiệm giáo viên

Thầy Lê Văn Toàn - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cho biết: Trường nằm dọc bờ kè Cảng Phan Thiết, do đó tình hình an ninh của trường luôn được quan tâm. Học sinh các phường Đức Long, Lạc Đạo đa phần là con em lao động biển. Việc các em chơi với các thanh niên bên ngoài không phải là không có. Mặc dù tình trạng băng nhóm đánh nhau trước cổng trường chưa hề xảy ra, nhưng về phía nhà trường vẫn luôn chủ động thực hiện các giải pháp an ninh trường học. “Đa phần học sinh ít được gia đình quan tâm giáo dục, khoán trách nhiệm cho nhà trường trong việc dạy chữ và rèn luyện đạo đức”, thầy Toàn cho biết thêm. Lâu nay, trường thường xuyên nhắc nhở học sinh, rà soát các đối tượng có nguy cơ, nắm bắt và phát hiện kịp thời tình hình. Nếu chưa thấy nghiêm trọng, giám thị mời lên làm việc, nếu sự việc gần đến mức nghiêm trọng thì phối hợp với công an phường để ngăn chặn ngay. Không những vậy, các trường thường tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt các tiết chủ nhiệm, tổ chức hoạt động ngoài giờ để học sinh giao lưu, trao đổi với nhau để vừa nhắc nhở vừa nắm bắt tâm lý, ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn.

Ông Thân Trọng Lê Hà – Trưởng Phòng giáo dục TP Phan Thiết cho biết: Công tác giáo dục đạo đức học sinh luôn được quan tâm chỉ đạo sâu sát. Nhiều trường xây dựng kế hoạch, mô hình thực hiện, nhờ vậy đạo đức của học sinh được tăng dần. Tuy nhiên vẫn còn một số ít học sinh chưa ngoan, chưa tập trung rèn luyện đạo đức, lối sống, bị ảnh hưởng, tác động của thanh thiếu niên hư hỏng bên ngoài nhà trường, các trò chơi mang tính kích động, bạo lực đã gây nên những hậu quả đáng tiếc vừa qua. Phòng Giáo dục Đào tạo Phan Thiết đã có văn bản gởi các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc giáo dục đạo đức học sinh. Trong đó chú trọng giáo dục kỹ năng sống cũng như thành lập tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đặc biệt chú ý và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vào cuộc khi cần. Riêng các giáo viên giám thị, giáo viên chủ nhiệm lớp cần thể hiện trách nhiệm hơn nữa trong việc theo dõi tâm sinh lý của học sinh, nhất là những học sinh chưa ngoan, có biểu hiện chưa tốt về đạo đức, tác phong và có nguy cơ hư hỏng.

Khánh Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Siết chặt” kiểm soát bạo lực học đường