Theo dõi trên

Soi bóng Cà Ty, ngước Động Thiềng…

30/08/2024, 05:10

Bài 1: Đôi nét về lập làng và xây Đình Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo…

HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI trong kỳ họp vừa qua đã thông qua nghị quyết sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, trong đó tại thành phố Phan Thiết nhập phường Lạc Đạo, phường Đức Thắng và phường Đức Nghĩa thành một phường mới đặt tên là phường Lạc Đạo và nhập phường Hưng Long vào phường Bình Hưng thành một phường mới đặt tên là phường Bình Hưng.

ca-ty.jpg
Soi bóng Cà Ty, Phan Thiết xưa. Ảnh tư liệu.

Trở về nguyên thủy, tên gọi Phan Thiết là từ tiếng của người Chăm cư dân bản địa “Hamu Lithit” chỉ một vùng đất “xóm ruộng bằng ở gần biển”, cũng như con sông Cà Ty có tên gọi “Kati” là dòng nước êm không chảy xiết do nước biển triều lên hòa cùng nước nguồn đổ xuống. Phan Thiết là vùng đất mới khai lập vào thế kỷ 17 - 18 theo con đường mở cõi phương Nam của các chúa Nguyễn từ những con người “Ngũ Quảng lưu dân” (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam, Quảng Nghĩa).

Đến đời Minh Mạng thứ 13 (1832) thành lập tỉnh Bình Thuận gồm 2 phủ: phủ Ninh Thuận và phủ Hàm Thuận, Phan Thiết thuộc huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận. Nằm ở đôi bờ sông Cà Ty, bên hữu ngạn có các xã Đức Thắng, Nhuận Đức, Lạc Đạo và các thôn Thành Đức, Tú Long (nay là Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo, Đức Long); bên tả ngạn là xã Trinh Tường và các thôn Phú Tài, Long Khê, Long Bình, Minh Long (nay là Phú Tài, Phú Trinh, Bình Hưng, Hưng Long). Với vị trí địa lý nằm bên cửa biển Phan Thiết và theo dòng Cà Ty thuận lợi cho nghề biển và lập thành thị tứ, riêng các làng bên hữu ngạn sớm phát triển để lại cho tới ngày nay 4 đình làng bề thế được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, đó là: Đình làng Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo và Tú Long (Luông).

ca-ty-1.jpg
Cổ đình Lạc Đạo. Ảnh tư liệu.

Theo tập Lịch sử “Đức Nghĩa truyền thống đấu tranh cách mạng” do Đảng ủy phường xuất bản năm 1997. Thuở trước, vào những năm đầu thế kỷ 19, cụ Nguyễn Bàng, người Quảng Nam, cùng một số người đồng hương làm nghề chài lưới đến đây lập nghiệp, dần dần tập hợp được 20 hộ, hơn 100 người, hình thành một vùng tụ cư có tên là thôn Thành Đức. Sau đó dân chúng ngày một đông và Đình làng được hình thành bằng tranh tre lá có tên gọi là Đình làng Thành Đức nằm ngay khu phố chợ. Năm 1848, cụ Nguyễn Thành (húy là Thái Ngọc Hoán) người Quảng Bình được triều đình Huế bổ nhiệm làm Tuần vũ Bình Thuận đã cúng ruộng cho làng và ông Nguyễn Quý quê Cao Lãnh vốn là con nhà điền chủ ra Phan Thiết góp công góp của xây dựng ngôi đình bằng gỗ quý và dời đình lên động Làng Thiềng (thời Nguyễn có những chữ “kiêng kỵ”, phải gọi trại Thành Đức là Thiềng Đức, động cát làng gọi tắt là “động Làng Thiềng”). Năm Tự Đức thứ 17, tháng 11 năm Giáp Tý (1864) hai cụ Trần Văn Kim và Lê Văn Hạnh là người Quảng Nam tiếp tục thừa kế, trùng tu ngôi đình có tầm vóc quy mô hơn. Đồng thời tại Đức Nghĩa còn có ngôi đình của bà con ngư dân Quảng Nam-Quảng Nghĩa tụ cư theo vạn chài lập thành Hộ Nam Nghĩa và ngôi đình có tên là đình Nam Nghĩa (góc đường Phan Đình Phùng – Trưng Nhị phường Đức Nghĩa ngày nay). Về sau, thôn Thành Đức và hộ Nam Nghĩa nhập chung được gọi là làng Đức Nghĩa và ngôi đình Thành Đức cũng được gọi là đình làng Đức Nghĩa.

Còn theo tập “Đức Thắng bất khuất - kiên cường” của Đảng bộ phường Đức Thắng xuất bản năm 2000 cho biết: “Tương truyền rằng có hai anh em họ Trần gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam, người anh tên Trần Mưu khi vào đã tạo lập nên Vạn Nam Nghĩa, còn người em tên là Trần Chất lại đến lưu trú tại xã Đức Thắng, tham gia hoạch định xóm làng cho hai khu vực… Ngày 16/9 năm Quý Mùi (1823), vì thấy chợ Phan Thiết lúc bấy giờ nằm ở khu vực (nay là đường Phan Bội Châu ở Đức Nghĩa) không thể hiện là cầu nối trung tâm của việc đi lại giao dịch, mua bán, ông Trần Chất mới đội sớ đón đường tiến quân của Tả quân Lê Văn Duyệt đang đi kinh lý, để dâng lên bảng kiến nghị xin cho dời chợ về địa điểm mới nằm gần cầu Quan để cho dân tiện việc đi lại, mua bán. Tả quân Lê Văn Duyệt thấy vô cớ bị dừng xe, nên giận dữ khép tội dân làng phạm thượng và cho quân lính chém đầu ông Trần Chất ngay tại chỗ. Khi về lại kinh đô, đọc lại tờ sớ và xét thấy nhân dân vô tội, Tả quân Lê Văn Duyệt đã xin vua phong cho ông Trần Chất là Tiền hiền làng Đức Thắng. Hiện nay tại đình Đức Thắng thờ 4 bài vị Tiền hiền: Hai ông họ Trần đó là Trần Chất tự Đôn Phác - hương biểu Chánh Đức, Trần Mưu tự Quân Trù - hương biểu Cảm Dũng; Một ông họ Nguyễn là Nguyễn Thông - hương biểu Cương Nghị Mẫn Trực và một ông họ Lê là Lê Chính - hương biểu Phấn Nghĩa Thuần Hậu.

Câu chuyện trên từ lớp người xưa truyền lại, chưa rõ thực hư, song lớp người sau vô cùng cảm kích các bậc tiền nhân đã có công “dựng đình, xây cầu, lập chợ”. Nhân dân làng Đức Thắng còn gìn giữ ngôi mộ cổ Tiền hiền Trần Chất và mộ của hai ông bà Hậu hiền Nguyễn Văn Tùng, tọa lạc ở khu suối Lỡ, thuộc xã Tiến Lợi. Trên mộ Tiền hiền có khắc chữ “Tiền triết chi mộ” và một đôi câu đối:

Hoài cổ khâm anh phong, công đức bất mai tam thiên thể

Vị hương lưu nhiệt huyết, tinh thần trường hộ nhất phương dân.

Tạm dịch:

Kính phục phong thái anh hùng, công đức ấy không chôn vùi dưới ba tấc đất.

Vì quê hương mà hy sinh, tinh thần đó sống mãi với dân chúng nơi đây.

Trong khu mộ còn có một Văn bia khắc chữ Hán lập vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928), xin trích bảng tạm dịch từ hồ sơ khoa học của Bảo tàng Bình Thuận:

Từng nghe người xưa nói: Trước là làm việc đức độ, thứ đến lập luận, trước thuật để lại đời sau và sau nữa là dựng nên công nghiệp. Tuy nhiên chỉ có người công thì mới được tưởng nhớ thờ phụng. Đó là cái tấm lòng của người dân đâu đâu cũng vậy.

Xã chúng ta, Tiền hiền có hai vị họ Trần, hai vị họ Lê, Nguyễn, vốn xưa kia là người có nghĩa khí, trí tài lại có thế lực, giàu lòng đức độ, phục vụ dân làng hoặc khai cơ lập ấp, lấy chữ Đức Thắng đặt tên làng, hoặc chiếm chợ tranh cầu mà dân ta thọ nhận. Trên thì có sông núi, sắc thái tươi tốt, quê hương thêm phần xán lạn, ấy cũng nhờ những người có tai mắt, danh vọng góp phần xây dựng mà ra.

Sở dĩ được gọi là kẻ sĩ, người quân tử thì lúc ở đời, dù chẳng có khả năng mà hành động trong thiên hạ, thì cũng còn có kinh nghiệm ở trong xóm làng, dù làm một việc nhỏ đến đâu thì công của ai trả về cho người ấy. Sống là vị anh hào xuất chúng, thì thác được linh thiêng, vật đổi sao dời, mả mồ thất lạc không ghi chép, chỉ còn đọc được hai họ mà nét chữ không được rõ. Hai họ này sống ở Lạc Đạo từ lâu, xây dựng một địa phương đông đúc, tốt đẹp. Cứ đến mùa xuân, mùa thu thì cúng tế, ấy chẳng phải là nổi danh một thời, sớm chiều như kẻ anh hùng (mà trái lại). Nay ai sau, mà xưa kia ai trước. Kẻ trước người sau đều quan hệ nhau như nay còn trông thấy vậy.

Năm trước vào dạo tháng 6, tỉnh nhà mở rộng, thành phố giáp liền phần mộ, khiến cho suối đất âu sầu, thê lương, khiến cho cây tùng cây thu đeo hận. Người mà có lòng ai chẳng ngậm ngùi nhớ nhung, tinh thần sao cho khỏi thương tổn, nhân vì lý do đó mà xã chúng ta họp biểu đồng tình chọn một nơi đất tốt: Khôn cấn phân châm, Đinh Mùi Tân Sửu, di táng phần mộ ấy lên trên đất cao ráo vừa mới khai khẩn, do phong thủy, khí tốt hun đúc kết thành, hầu để nhớ ơn công đức tiền bối, chẳng khác nào như viên ngọc mân trong suốt, không tiêu tan lưu lại hơn ngàn năm, để kẻ hậu sinh biết được công đức xưa mà ở dưới cữu tuyền cũng được âm thầm yên vui vậy, vì lẽ đó bổn xã lập bia này để ghi chép lại. Ô hô, Tiền hiền có công khai phá, mở mang trước cũng vì lợi cho dân, vì công ích, vì sự yên ổn của dân. Quý ngài đã mạnh mẽ chế ngự được lòng người, không hề sợ máu chảy còn tươi. Mặc dù ruộng dâu hóa ra biển xanh nhưng thái độ của quý ngài vẫn xinh đẹp, chúng ta kẻ nối sau, uống nước nhớ nguồn, lấy cái nghĩa mà phụng thờ thì mới giữ tròn được sự trinh bạch như hòn đá vững cứng chẳng khó quên vậy.

Ngày 6 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 3 (1928)

Xã Đức Thắng đồng lập bài minh văn.

Lần trang sách cũ, ông bà xưa có truyền lại, ông Trần Chất là tiền hiền làng Đức Thắng và ông bà hậu hiền Nguyễn Văn Tùng thuở sinh thời lại trú ngụ tại làng Lạc Đạo và khi qua đời được an táng tại khu mộ địa của làng, về sau qua kiến thiết đô thị Phan Thiết (1928) mới dời lên khu vực Tiến Lợi ngày nay. Theo ghi nhận trong tập “Lạc Đạo truyền thống đấu tranh cách mạng” thì vùng đất Lạc Đạo khi mới khai lập dân số chưa đến 100 hộ với những mái nhà làm bằng tre lá nằm dọc ven biển, dân gian gọi tên “Xóm Câu”, “Xóm Biển”…về sau có tên chữ “Lạc Đạo” thì đình làng được xây dựng ở vị trí Ngã 3 Lạc Đạo ngày nay. Vào khoảng 1875-1880, có một vị thừa sai người Pháp là cha Archimbaud Đức, cùng với một số giáo dân gốc Bình Định và Quảng Bình đến Phan Thiết sinh sống, dựng lên một ngôi nhà nguyện thô sơ, mái lá vách tre, trên một khu đất nhỏ thuộc làng Lạc Đạo; sau này phát triển lên ngôi thánh đường vách gạch, mái ngói gọi tắt là Nhà thờ Lạc Đạo và trở thành Nhà thờ chính tòa của Giáo phận Phan Thiết ngày nay.

Cũng cần nhắc đến sự kiện lịch sử năm 1885 tên đại Việt gian Đốc phủ Nghiêm (tên đầy đủ là “Emmanuel Trần Bá Lộc, song dân chúng đọc là Nghiêm) được Thống đốc Nam kỳ cử ra làm phái viên cùng với bọn thực dân lo việc cai trị vùng đất Bình Thuận, y liền sử dụng đình làng Lạc Đạo làm nơi Dinh đốc phủ đầu tiên. Còn đình làng Lạc Đạo thì dời về “Xóm Động” tiếp giáp “động Làng Thiềng”, một địa điểm gần sát bờ sông Cà Ty như ngày nay.

Mà không phải chỉ có đình làng Lạc Đạo bị chiếm dụng, cái chùa Cô Hồn ở Đức Thắng (nằm ở khu vực Trường mầm non Đức Thắng ngày nay) cũng nằm trong tình cảnh đó. Trong tập “Điều lệ Thanh - Minh Hội” được in bằng chữ Pháp: Pagode “Thanh - Minh” (Association Amicale et Mutuelle “Thanh – Minh”) và chữ Quốc ngữ; Ngày mùng 7/7 năm Bảo Đại thứ X (le 5 Aout 1935) có Chỉ Chuẩn (số 134) châu phê cho phép hội được thành lập tại Phan Thiết, hiệu là “Thanh Minh ái hữu tương tế hội”); ở phần “Tiểu dẫn” cho biết: “Chùa hội Thanh Minh này sáng lập ra từ năm Thiệu Trị thứ 7 là năm Định vị (1847), tọa lạc tại địa phận làng Đức Thắng. Năm Hàm Nghi nguyên niên (1885) thời hội Thanh Minh giải tán. Lúc ấy có Khâm sai Tổng đốc Trần Bá Lộc đến địa hạt Phan Thiết, lấy chùa hội làm chỗ dinh thự…”. Lời “Tiểu dẫn” còn cho biết thêm, buổi ấy sở chùa này phía trước có dinh Thanh Minh để thờ vị thần Tiêu Diện và các vị Cô hồn, trước dinh Thanh Minh có một cái chợ, tục kêu là Chợ chiều chùa Cô hồn; năm Thành Thái thứ 7 (1897) xóm Đức Thắng bị hỏa tai, giao nhà chùa lại cho làng, làng làm nhà hội hương; năm Thành Thái thứ 11 (1899) mới thỉnh tượng thần Tiêu Diện đem gởi vào chùa Linh Thắng trên địa bàn Lạc Đạo tục danh là chùa Giếng giá (về sau Hội Thanh Minh được thành lập lại và năm 1935 xây dựng Bản Điều lệ Hội nói trên).

Qua các tư liệu trên cho ta biết giữa 3 làng Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo đã có sự gắn bó với nhau từ thuở di dân lập ấp, dựng đình chùa, lập chợ…

GHI CHÉP: VÕ NGỌC VĂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 31: Bình Thuận giành huy chương bạc
Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vừa phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 31 năm 2024.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Soi bóng Cà Ty, ngước Động Thiềng…