Theo dõi trên

Sớm mai trên bãi biển Đồi Dương La Gi

27/03/2013, 07:49

BT- Có lẽ thời tiết trong khu vực biển này từ cuối giêng đều êm ả, dịu dàng. Mặt biển phẳng lặng không một gợn sóng và trong suốt có thể thấy được lớp cát dưới nước. Biển ngày nào hung hãn nổi sóng, tung bọt trắng xóa đập vào bờ nay lại mượt mà, phẳng lặng của “mặt nước hồ thu”.

Từ rất sớm khi mặt trời chưa lên, nhiều người đã rải rác trên bãi cát với những động tác vươn vai, hít thở như sợ cạn đi cái không khí quý giá của ban sớm trong lành. Tôi lẩn trong tốp người dẫm lên bờ nước đang rút, hướng về ngảnh Tam Tân để nghe cái cảm giác của đôi bàn chân trần ngập bởi lớp cát mềm mát rượi. Bãi biển ở đây trải rộng phẳng phiu chạy dọc dài theo đồi cát trắng hoang sơ, đôi chỗ là bãi vỏ chang chép như tấm khảm xà cừ của thiên nhiên thời sơ nguyên còn sót lại. Từ Đồi Dương đi chừng 2 cây số, tôi nhận ra bụi dứa cô đơn đã bị cát bồi lấp đến nửa thân cây trên động cát trắng cuối dự án Khu du lịch Sài Gòn-Hàm Tân xây dở dang trông như ngôi đền cổ hoang phế. Bụi dứa vẫn còn xanh lá nhưng khe nước ngọt ngày xưa chắc chắn chỉ ngầm chảy dưới lớp cát vô tình. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư : “Nằm đây mà ngó lên trời/ Lá cây dứa đã mấy đời đong đưa/ Nằm đây mà nhớ mơ hồ/ Những xanh tóc ấy bây giờ về đâu…” Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi tác giả là cậu ruột, kể rằng năm 1960 cậu Ngu Í về quê Tam Tân cải táng mộ song thân, khi đến Nước Nhỉ nằm nghỉ dưới tàng cây dứa sum suê bóng mát, bên cạnh đống gạch xây giếng đã vỡ vụn mà hồi tưởng thời tuổi thơ và thân phận đời người rồi có những câu thơ lục bát đến bàng hoàng.

Thuở xưa, người dân La Gi đi lên Tam Tân, Tân Thành hoặc trên đường ra Phan Thiết thì  bờ biển là con đường bộ duy nhất. Nguồn nước ngọt chỉ có trong đất liền rừng rú bên kia động cát có nhiều thú dữ, cho nên chỗ mạch Nước Nhỉ này trở nên quý hiếm cho khách bộ hành và họ đã tạo thành giếng nước cạn. Chỉ dùng hai bàn tay bụm nước hay dùng chiếc nón lá múc lên để uống. Được gọi là giếng từ khi nhóm thanh niên Hướng đạo các làng La Gi, Phong Điền, Tam Tân cùng nhau dùng xe bò chở gạch đi xây giếng để giữ mạch nước trong trẻo và đầy tràn hơn. Năm đó vào khoảng 1944 và được đặt tên là giếng Nguồn Chung. Cảnh quan ở đây rất đẹp bởi có đồi cát cao chập chùng đan xen những mảng xanh rau muống biển và hoa nắng cỏ long chong. Giếng nằm cuối dãy rừng dương xanh chạy dài tít tắp đến tận làng chài Tân Long.

Người xưa thấy mạch nước ngọt xuất lộ ngay bờ biển dưới chòm cây dứa um tùm là một hiện tượng lạ lùng vì cạnh đó khi moi xuống lớp cát sâu chỉ toàn là nước mặn của biển cho nên nghĩ có gì đó bí ẩn khác thường. Có người liên tưởng đến Hòn Bà đang sừng sững trên sóng biển mênh mông với huyền thoại ly kỳ lại càng thêm cảm nhận cái hồn thiêng thấp thoáng trong dòng nước ngọt ngào tuôn chảy từ chân động cát trắng. Nay với cách giải thích về địa lý, bên kia động cát có một bàu nước tên gọi Bàu Dòi, nay thuộc xã Tân Tiến (La Gi) tích tụ nguồn nước từ núi Đất, Lồ Ồ chảy xuống và tạo thành mạch nước ngầm xuyên qua động cát trổ ra, đó là giếng Nguồn Chung.

Cũng liên quan đến giếng Nước Nhỉ này, năm 1917 có một chiếc bè chở 6 người tù Côn Đảo vượt biển sau 6 ngày lênh đênh, đói khát tấp vào đây. Nhờ mạch nước ngọt trong chân động cát nhỉ ra mà lấy lại sức, tỉnh táo tìm đường ra xóm Tam Tân. Cũng tại đây họ gặp hương sư Nguyễn Hữu Hoàn, cha của Ngu Í người quê Hà Tĩnh lánh nạn vào Tam Tân và làm nghề dạy học. Nhận ra người đồng hương, ông giáo Hoàn đã cứu thoát khỏi sự truy lùng của hương chức làng, trong số đó có Hy Cao Nguyễn Đình Kiên, tức Tú Kiên là nhà cách mạng trong phong trào Đông Du có những hoạt động ảnh hưởng tốt đến phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận.

Ngày nay, không còn mấy ai nhớ đến con đường “bộ hành” men theo bờ biển để đi lại nữa. Nhưng địa danh Nước Nhỉ vẫn còn dù nằm lẩn khuất dưới một dự án đồ sộ với tên gọi sang trọng hơn. Cái ý nghĩa rất nhân văn khi mạch nước ngọt thiên nhiên ngày nào đã hiện diện một cách khiêm nhường trong đời thường của người dân vùng biển La Gi.                  

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm mai trên bãi biển Đồi Dương La Gi