Khi ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp, quyền Tổng thống Wickremesinghe nêu rõ đây là biện pháp “phù hợp, vì lợi ích an ninh công cộng, bảo vệ trật tự công cộng cũng như duy trì các nguồn cung ứng và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng”.
“Tại Sri Lanka đang có những chiến dịch vi phạm pháp luật. Những gì chúng tôi phải làm là phản đối điều này và bảo vệ luật pháp, lập lại trật tự. Tôi sẽ không cho phép những hành động phá hoại luật pháp và trật tự của đất nước nhưng chúng tôi sẽ chấp nhận biểu tình ôn hoà vì sự thay đổi hệ thống tích cực. Tôi cũng nghĩ rằng hệ thống của đất nước này cần được thay đổi”.
Ông Wickremesinghe cũng cho biết cuộc đàm phán về gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang đạt được tiến triển: “Tôi bắt đầu đàm phán với IMF để khắc phục nền kinh tế cũng như thảo luận với các quốc gia thân thiện. Chúng ta đã chịu tổn thất lớn với sự sụp đổ của nền kinh tế. Chúng tôi phải lên kế hoạch hành động để đối mặt với với những thách thức”.
Quyền Tổng thống Wickremesinghe cho biết, chính phủ đang thực hiện các bước cứu trợ đối với người dân giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu và khí đốt thông qua giảm giá bán lẻ nhiên liệu, giá điện.
Những nỗ lực của ông Wickremesinghe diễn ra trong bối cảnh ông đang chạy đua để trở thành Tổng thống tiếp theo của Sri Lanka. Ông đang nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền Podujana Peramuna nhưng sẽ phải đối mặt với ít nhất 3 ứng viên khác. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của quyền Tổng thống thì cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt.
Nhiều người dân Sri Lanka đang đối mặt tình trạng thiếu nhu yếu phẩm giữa lúc lạm phát tăng khoảng 50% và giá thực phẩm cao hơn 80% so với 1 năm trước đó. Hàng trăm người Sri Lanka tiếp tục xếp hàng tại các trạm xăng trên khắp đất nước mỗi ngày và một số lượng lớn người dân đã phải bỏ ô tô và xe máy để đi xe đạp.
“Từ ngày 9/4 đến nay, có đến 4 lần chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên người dân vẫn ra đường để đấu tranh”, một người dân Sri Lanka cho biết.
Theo các nhà phân tích chính trị, tình hình tại Sri Lanka không thể dễ xoa dịu trong những ngày tới bởi những bất ổn về kinh tế và chính trị đã tồn tại ở nước này trong một thời gian dài. Hiện Sri Lanka đang thương thảo với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói giải cứu trị giá 3 tỉ USD. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đã bị đình trệ do bất ổn chính trị. Tổng Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva mới đây cảnh báo, cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka sẽ còn phải đối mặt với nhiều sức ép và rủi ro trong những tháng tới./.