Credit Suisse đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng niềm tin trong nhiều tháng liên quan đến bê bối và thua lỗ kéo dài, trước khi các quan chức Thụy Sỹ đồng ý để đối thủ lớn hơn là UBS tiếp quản ngân hàng này. Ngay chính UBS cũng từng cần đến sự cứu trợ của chính phủ trong năm 2008 sau sự cố chứng khoán thế chấp tại Mỹ.
Arturo Bris, Giáo sư Tài chính tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) ở Lausanne, cho biết sự sụp đổ của Credit Suisse và hậu quả của nó "sẽ rất tai hại".
Theo một nghiên cứu của Deloitte năm 2021, Thụy Sỹ quản lý 2.600 tỷ USD tài sản quốc tế, đưa nước này trở thành trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, vượt qua Anh và Mỹ. Tuy nhiên, Thụy Sỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các trung tâm khác bao gồm Luxembourg và đặc biệt là Singapore, nơi đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.
Ông Bris cho hay uy tín của Thụy Sỹ với tư cách là một quốc gia ổn định đã bị ảnh hưởng bởi các động thái như quyết định xóa sạch phần nắm giữ của các trái chủ Credit Suisse.
Theo thỏa thuận tiếp quản, các trái chủ sở hữu trái phiếu AT1 của Credit Suisse sẽ không nhận được gì, trong khi các cổ đông, những người thường xếp hạng thấp hơn các trái chủ về điều khoản bồi thường, sẽ nhận được 3,23 tỷ USD.
Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ (SBA) đã cố gắng trấn an rằng việc chính phủ, các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý giải cứu một ngân hàng “ốm yếu” là dấu hiệu của sức mạnh.
Chủ tịch SBA và cựu Giám đốc điều hành UBS Marcel Rohner ngày 21/3 cho hay lĩnh vực tài chính Thụy Sỹ có thể giải quyết một vấn đề lớn của một người chơi quan trọng. Ông nhận thấy trung tâm tài chính này vẫn có một triển vọng thịnh vượng bởi Thụy Sỹ có hàng trăm ngân hàng được vốn hóa rất tốt và các ngân hàng quản lý tài sản thành công.
Tuy nhiên, số lượng ngân hàng đã giảm xuống còn 239 ngân hàng trong năm 2021 so với con số 356 ngân hàng trong năm 2002. Số lượng nhân viên ngành ngân hàng kể từ năm 2011 đã giảm từ 108.000 người xuống 91.000 người.
Stefan Legge, người phụ trách chính sách thương mại và thuế tại trường Đại học St. Gallen thuộc Viện Nghiên cứu tài chính IFF cho biết sự sụp đổ của Credit Suisse sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh và nhiều luật mới để cải thiện quản trị doanh nghiệp được đưa ra.
Thụy Sỹ có rất ít cơ chế quy trách nhiệm cá nhân cho các chủ ngân hàng hàng đầu về việc quản lý yếu kém, không giống như các trung tâm như Anh, nơi các nhà quản lý cấp cao có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt hình sự.
Các hiệp hội và chính trị gia cũng đã phản ứng mạnh với việc giải cứu Credit Suisse, điều có thể khiến người nộp thuế phải bù đắp khoản lỗ lên tới 9 tỷ franc.
Lĩnh vực ngân hàng quá lớn của Thụy Sỹ đã chịu áp lực trong nhiều năm trong bối cảnh các quốc gia khác tìm cách trấn áp hành vi trốn thuế của công dân.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự đóng góp của ngành tài chính cho nền kinh tế Thụy Sỹ cũng giảm từ 9,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2002 xuống 8,9% GDP vào năm 2022 do các ngành như dược phẩm trở nên quan trọng hơn ở quốc gia có GDP bình quân đầu người cao thứ ba thế giới.
BAK Economics, một viện nghiên cứu của Thụy Sỹ, cho biết hậu quả từ vụ sụp đổ của Credit Suisse sẽ “gói gọn” trong lĩnh vực ngân hàng. Ước tính có tới 12.000 việc làm ở Thụy Sỹ bị “bốc hơi”, trong khi tác động đối với nền kinh tế rộng lớn hơn sẽ hạn chế.