Quảng bá thương hiệu
Vừa qua tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức Triển lãm Quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2024 (Vietnam Foodexpo 2024). Triển lãm có sự tham gia của gần 400 doanh nghiệp đến từ hơn 30 tỉnh, thành tại Việt Nam và hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, tham gia trưng bày. Tham gia hội chợ này, Chi cục QLCLNL&TS Bình Thuận đã hỗ trợ cho 1 cơ sở chuỗi là Công ty TNHH Hải Nam tham gia trưng bày, quảng bá gần 40 sản phẩm tại khu gian hàng thương mại quốc gia. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp này có cơ hội quảng bá và nâng cao nhận diện thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm tại sự kiện quốc gia mang tầm vóc quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương nhanh nhất, hiệu quả nhất với các đối tác trong cả nước, khu vực và thế giới.
Có mặt tại sự kiện này, bà Ngô Thị Đoan Phương – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ: Ngoài rong nho, Công ty Hải Nam đăng ký trưng bày một số sản phẩm khác như cá khô chỉ, khô cá trích, mực khô… Thời gian qua, công ty rất chú ý vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Bên cạnh xuất khẩu, công ty đang tập trung vào thị trường nội địa. Năm nay, Công ty Hải Nam được Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Sở Công Thương hỗ trợ tham dự hội chợ nhằm đẩy mạnh cải tiến sản xuất, tăng cường kết nối giao thương…
Nhìn lại những kết quả từ liên kết sản xuất và tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị trong năm qua, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2024 ngành nông nghiệp đã vận động 52 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tham gia xây dựng 2 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, với sản lượng được kiểm soát hàng năm khoảng 100 tấn thủy sản đông lạnh (chuỗi thủy sản) và khoảng 40 tấn rau (chuỗi nông sản). Kết quả, 1 cơ sở chứng nhận VietGAP, 1 cơ sở chứng nhận HALAL; hỗ trợ 4 cơ sở thủy sản chứng nhận HACCP. Nhờ vậy, góp phần làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản. Mặt khác, chuỗi hình thành đã tăng cường, đa dạng hóa các liên kết trong sản xuất.
Tạo động lực, giúp người sản xuất, kinh doanh phát triển chuỗi
Trong đó, từ tháng 7 - 12/2024, Chi cục QLCLNL&TS đã khảo sát và xây dựng mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị tại TP. Phan Thiết. Cụ thể, cơ sở trung tâm chuỗi được hỗ trợ gồm Công ty TNHH Hải Nam và các cơ sở sản xuất ban đầu là một số tàu cá trên địa bàn. Chi cục xây dựng hoàn chỉnh mô hình từ khâu đánh bắt đến thu mua, sơ chế, chế biến, đóng gói (ghi nhãn), vận chuyển, kinh doanh đảm bảo ATTP đến tay người tiêu dùng.
Đặc biệt của hoạt động chuỗi là các cơ sở tham gia mô hình được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng nhằm có tính ràng buộc và trách nhiệm. Góp phần nâng cao thu nhập của ngư dân, tạo việc làm ổn định cho người lao động tại các cơ sở mắt xích chuỗi; mang lại lợi ích cho cộng đồng. Thông qua việc quảng bá, tạo điều kiện cho sản phẩm tiếp cận nhiều hơn với các đối tượng khách hàng, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp sản xuất tham gia chuỗi tăng sản lượng và giá trị sản xuất, giá trị gia tăng trong kinh doanh, ổn định sản xuất và phát triển bền vững, thương hiệu ngày càng được người tiêu dùng tin cậy…
Bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi cục trưởng Chi cục QLCLNL&TS đánh giá, từ mô hình đã tạo ra sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc. Các sản phẩm của chuỗi đã tự công bố chất lượng, 2 sản phẩm đảm bảo đầy đủ các tiêu chí để chứng nhận OCOP từ 4 - 5 sao. Qua kiểm tra đánh giá đã yêu cầu cơ sở trung tâm chuỗi duy trì tốt điều kiện bảo đảm ATTP và sử dụng hiệu quả thiết bị, vật tư Chi cục đã cung cấp. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng, phát triển thị trường, tăng quy mô sản xuất tạo việc làm ổn định cho người lao động nhất là người lao động tại địa phương…
Về khả năng nhân rộng mô hình, lãnh đạo Chi cục QLNL&TS cho biết: Việc nhân rộng mô hình sẽ khuyến khích và tạo động lực, giúp người sản xuất, kinh doanh phát triển chuỗi một cách bài bản. Từng bước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, đối với cơ sở sản xuất ban đầu như tàu cá hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa chú ý tới việc liên kết nhóm, vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống. Nhiều cơ sở vì lợi ích trước mắt sẵn sàng phá vỡ thỏa thuận liên kết. Cơ sở sơ chế thủy sản tham gia chuỗi chủ yếu quy mô nhỏ, trang thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công hoặc bán thủ công, tuy một số cơ sở đã quan tâm đầu tư, cải tạo nhà xưởng, nhưng công tác bảo trì, bảo dưỡng không được thực hiện thường xuyên.
Hiện nay, Chi cục QLCLNL&TS kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối, bố trí kinh phí để tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình chuỗi trong thời gian đến. Song song, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm được kiểm soát an toàn. Các cá nhân tham gia chuỗi tiếp tục duy trì, phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn. Đồng thời, chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh để liên kết sản xuất và tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị, tạo sức bật, mang lại hiệu quả cao nhất.